Friday 8 March 2013

Thứ sáu, ngày 08 tháng ba năm 2013

VN tiếp tục NHẦM LẪN quảng bá cho dịch trung quốc ngay trong gian hàng trưng bày, giới thiệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam tại Berlin, Đức. Khách tham quan cũng tưởng đây là gian hàng của trung quốc. Nhục quá!

Bộ mặt bán nước "cõng rắn Trung Quốc về cắn gà nhà" của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Thứ năm, ngày 07 tháng ba năm 2013
Sách học vần tiếng Việt lại vẽ cờ của quân xâm lươc Trung Quốc. ----- Phát hiện thêm hai sách dành cho trẻ vẽ cờ Trung Quốc . Sự cố ý 1 cách có hệ thống. http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/03/sach-hoc-van-tieng-viet-lai-ve-co-cua.html

Thứ ba, ngày 05 tháng ba năm 2013 

Sao cổng trường cắm cờ Trung Quốc trong cuốn sách Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ dành cho các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 của Nhà xuất bản Dân Trí !http://bietkichxaxu.blogspot.com/2013/03/sao-cong-truong-cam-co-trung-quoc-trong.html


Tổng cục Du lịch quảng bá cho du lịch Trung Quốc?

(TNO) Tham gia một hội chợ du lịch lớn nhất thế giới đang diễn ra ở Đức để quảng bá du lịch Việt Nam cho du khách quốc tế nhưng ngay trong gian hàng trưng bày, giới thiệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam lại treo một bức ảnh giới thiệu địa danh du lịch nổi tiếng của Trung Quốc.

Tối 7.3, trên trang Facebook của một người tên H., đang công tác tại một công ty chuyên về du thuyền ở Việt Nam, đăng một bức ảnh khổ lớn về bức tượng đá cao nhất thế giới có tên Lạc Sơn Đại Phật ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), kèm theo chú thích: “Ảnh Lạc Sơn Đại Phật ở Tứ Xuyên”.

Ảnh tượng Lạc Sơn Đại Phật (Trung Quốc) nằm ngay trong gian hàng chung Việt Nam tại Hội chợ du lịch quốc tế ITB 2013 diễn ra ở Berlin, CHLB Đức - Ảnh: Một doanh nghiệp cung cấp


Điều đáng nói, theo thông tin từ trang Facebook này, bức ảnh trên được trưng bày ngay trong gian hàng của Tổng cục Du lịch Việt Nam và một số doanh nghiệp du lịch Việt Nam đang tham dự Hội chợ du lịch quốc tế ITB 2013.

Khách tưởng gian hàng của Trung Quốc


Sau khi bức ảnh được đăng trên Facebook, rất nhiều người đã nhanh chóng vào bình luận và đặt câu hỏi liệu bức ảnh này có phải được chụp tại ITB 2013 ở Đức hay không? Nếu đúng như vậy thì không thể chấp nhận được.


Trước những thông tin bình luận trên, sau đó không lâu ông H. đã rút bức ảnh Lạc Sơn Đại Phật và tất cả những lời bình luận ra khỏi Facebook.

Thấy khách cứ hỏi mua tour Trung Quốc, tôi bảo đây là gian hàng Việt Nam và chúng tôi chỉ bán tour đi Việt Nam thôi. Khách chỉ vào bức hình và nói đây là cảnh Trung Quốc mà. Nhục quá đi mất!
Giám đốc một doanh nghiệp trực tiếp tham gia ITB 2013 nói

Nhận được thông tin trên, Thanh Niên Online đã gọi điện thoại cho ông H. nhưng không liên lạc được. Công ty nơi ông H. đang làm việc thông báo hiện ông này đang công tác ở nước ngoài.


“Hiện anh H. đang ở Đức nên điện thoại không thể liên lạc được. Nếu anh cần liên hệ thì một vài ngày nữa gọi lại cho anh H.”, nhân viên của công ty ông H. thông báo.


Tuy nhiên giám đốc một công ty du lịch (yêu cầu không nêu tên) đang tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITB 2013 ở Đức khẳng định bức ảnh trên là có thật.


Vị giám đốc này cho hay, công ty ông nằm trong khu vực của Tổng cục Du lịch Việt Nam. Ban đầu ông không để ý lắm đến bức ảnh nhưng thấy khách quốc tế cứ đến hỏi tour đi Trung Quốc thì mới phát hiện ra.


“Vì nhiều việc nên tôi không để ý nhưng thấy khách cứ hỏi mua tour Trung Quốc. Tôi bảo đây là gian hàng Việt Nam và chúng tôi chỉ bán tour đi Việt Nam thôi. Khách chỉ vào bức hình và nói đây là cảnh Trung Quốc mà. Nhục quá đi mất”, ông này nói.


"Không phải ảnh của mình thì thay thôi"


Những tấm hình mà một doanh nghiệp gửi về cho chúng tôi cho thấy trong gian hàng chung Việt Nam, doanh nghiệp tham gia sẽ được cung cấp một vị trí tương ứng bàn làm việc để giới thiệu tour cho đối tác.


Phía trước bàn làm việc này sẽ dán một bức ảnh khổ lớn về một địa danh du lịch nổi tiếng của Việt Nam để thu hút khách quốc tế tham quan hội chợ. Bức ảnh tượng Lạc Sơn Đại Phật của Trung Quốc nằm trong số những bức ảnh đó.


Trước bàn làm việc của doanh nghiệp du lịch Việt Nam ở ITB 2013 đều được thiết kế một bức ảnh khổ lớn giới thiệu địa danh du lịch nổi tiếng - Ảnh: Một doanh nghiệp cung cấp

Tại sao lại có sự nhầm lẫn tai hại trên? Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ thị trường (Tổng cục Du lịch) cho hay, theo thông tin từ Đức báo về thì có sự nhầm lẫn trên. Còn lý do nhầm lẫn thì Tổng cục Du lịch cũng đang tìm hiểu. Hiện tại đoàn công tác ở Đức cũng chưa về.

“Trước mắt anh em bên đó đã xử lý rồi. Bức ảnh đã không còn treo trong gian hàng của Tổng cục Du lịch nữa. Ảnh không phải của mình thì phải thay ảnh khác vào thôi”, ông Anh nói.

Lạc Sơn Đại Phật còn gọi là Lăng Vân Đại Phật hay Gia Định Đại Phật, là tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới. Bức tượng Phật này được tạc vào vách đá Thê Loan của núi Lăng Vân, nằm ở miền nam tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên Online, sau khi sự cố xảy ra, được doanh nghiệp báo lên, sau đó Tổng cục Du lịch đã dán hai bản đồ đè lên tấm hình đó.


Theo ông Lê Tuấn Anh, tham dự Hội chợ du lịch quốc tế ITB 2013 gồm có Tổng cục Du lịch, Vietnam Airline và 26 doanh nghiệp. 


Về chi phí tham gia hội chợ, ông Anh cho biết sẽ cung cấp cho báo chí vào một dịp khác. 


Ông Phan Đình Tân, Phó chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xác nhận từ tối qua đã nhận được thông tin liên quan đến vấn đề này.

Từ đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đề nghị Tổng cục Du lịch báo cáo để có hướng xử lý cụ thể.

Trước câu hỏi nếu đúng như phản ánh thì hướng xử lý của bộ như thế nào, ông Tân đáp: “Chúng tôi cũng chỉ mới nghe nói, còn về hướng xử lý thì sau khi anh em cung cấp đầy đủ thông tin mới có thể thông báo được”. 



Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch làm trưởng đoàn

Hội chợ du lịch quốc tế ITB 2013 khai mạc vào tối 5.3 tại thủ đô Berlin, CHLB Đức.

Hội chợ diễn ra từ ngày 5-10.3, thu hút khoảng 170.000 lượt khách, trong đó có 110.000 lượt khách là những người bán (Sellers), người mua  (Buyers) và các nhà cung cấp dịch vụ du lịch tham dự. 

Đây là hội chợ du lịch lớn nhất thế giới có sự tham gia của hơn 10.000 công ty lữ hành, khách sạn, hãng hàng không, hãng vận tải biển và các lĩnh vực liên quan đến từ 188 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức một gian hàng chung rộng 142 m2 tại hội chợ để giới thiệu những sản phẩm du lịch đặc sắc của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. 

Cùng tham gia gian hàng với Tổng cục Du lịch còn có Vietnam Airlines và 26 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn tiêu biểu.

Một doanh nghiệp cho hay chi phí tham gia hội chợ kiểu này rất đắt đỏ và chỉ có doanh nghiệp lớn mới dám tham gia.

Đoàn Việt Nam do Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn làm trưởng đoàn.


 Trung Hiếu

http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130308/tong-cuc-du-lich-quang-ba-cho-du-lich-trung-quoc.aspx

Còn nỗi nhục nào hơn không ...


KHÔNG ƯNG ĐƯỢC ĐỔI LẠI

Ngô Nhân Dụng

Các cô dâu Việt lấy chồng Trung Quốc qua dịch vụ môi giới
Khán giả ti-vi ở Pháp sẽ được coi một chương trình đặc biệt vào tối ngày mai, một phóng sự hình ảnh về đề tài, nạn mua bán đàn bà Việt Nam đưa sang Trung Quốc (Les Branches esseulées: Trafic de femmes vietnamiennes en Chine).

Tựa đề “Les Branches esseulées” dịch nguyên văn hai chữ Hán mà người Tầu phiên âm là “Guang-gun,” đọc lối Hán Việt là “Quang Côn.” Quang là sáng, cũng nghĩa là trống trải, như khi ta nói “phong quang, quang đãng.” Côn là cây gậy, có thể dùng để đánh nhau, “Côn quyền ra sức lược thao gồm tài” (Truyện Kiều). Quang côn là cây gậy trơ trụi, là cành cây không lá không hoa. Trong từ điển Hán Việt ghi nghĩa thông dụng nhất của từ này: Quang côn là đàn ông con trai chưa có vợ, độc thân, thường gọi là ế vợ.

Hai nhà báo công ty truyền thông CAPA, Patricia Wong và Gaël Caron, đã bỏ mấy tháng trời theo dõi một chàng trai người Trung Hoa đi mua vợ ở tận vùng gần Sài Gòn, Việt Nam, cách xa làng anh ta 3,500 cây số. Tên anh ta là Xiao Lu, 30 tuổi, chưa có vợ bao giờ. Anh làm công nhân đồn điền trà, ở một làng tên là Ting Xia. Tìm trong các mạng ở Trung Quốc thấy có làng trồng trà có tiếng tên là Thôn Ðình Hạ. Chương trình Quang Côn này sẽ được chiếu trên đài France 2 vào tối Thứ Năm, ngày 7 Tháng Ba 2013 này. Hai nhà báo đi theo anh Xiao Lu trên con đường thiên lý tầm thê đó. Nhưng bài phóng sự cũng mô tả chung nạn mua bán đàn bà con gái từ các nước Việt Nam, Lào, Miến Ðiện và Indonesia, đưa sang Tàu.

Trước đây đã nhiều nhà báo viết về nạn buôn phụ nữ Việt Nam bán sang Tàu, như trên tờ Wall Street Journal đã kể câu chuyện một cô quê ở Nam Ðịnh bị bán sang Quảng Ðông. Cô phải sống ở một làng miền núi, bị gia đình chồng và cả hàng xóm của họ canh giữ nghiêm ngặt không cho trốn đi. Sau cố lén gửi được thư cho gia đình tại Việt Nam, rồi một người anh trai lặn lội đi tìm được làng cô ở và bày mưu cứu cô về. Năm 2004 hai tác giả Valerie Hudson và Andrea den Boer viết cuốn sách tiếng Anh mang tựa đề “Bare Branches,” Cành Trụi, dịch sát hai chữ Quang Côn, trình bày tình trạng nhiều đàn ông ở nước Tầu ế vợ, do nhà xuất bản Ðại Học MIT in.

Bản tin loan báo chương trình Quang Côn, Les Branches esseulées, cho biết những “cô dâu” được “nhập khẩu” qua Tàu, trên nguyên tắc để làm vợ cho các quang côn, những cành cây trụi lá; nhưng họ được đem bán như bán nô lệ. Sớm muộn họ sẽ chạm mặt với thực tế phũ phàng, khác hẳn những gì được ông chồng tương lai hứa hẹn. Họ sẽ lao động cực nhọc ở các làng quê hẻo lánh, ngoài việc lo sinh đẻ. Nhiều cô dâu đã tìm đường trốn đi, nhiều cô đành chịu đựng số phận.

Hai nhà báo Patricia Wong và Gaël Caron bắt đầu chương trình với cảnh mua vợ của Xiao Lu tại vùng phụ cận Sài Gòn. Các quang côn được tập trung tại một khách sạn; họ bị ngăn cản không cho đi đâu, vì bọn lái buôn đã tịch thâu giấy thông hành, hộ chiếu của họ. Rồi họ được đi xem mặt hàng, là các cô gái Việt Nam tuổi ở 20. Một chuyến đi mua vợ như vậy tốn khoảng 5,000 đồng Euro, vào khoảng 8,000 đô-la Mỹ; những cô còn trinh được trả giá cao hơn. Giống như các siêu thị và cửa hàng bách hóa lớn ở Mỹ, khách tiêu thụ không hài lòng với các “món hàng” này có thể đem đổi lấy món hàng khác tương đương, “échangeable” trong nguyên văn. Bọn buôn người gồm cả người Tàu và người Việt.

Trong gian phòng khách sạn, nhà báo quay cảnh Xiao Lu gặp cô dâu tên là Thu Yến, một cô gái quê sợ sệt, nhút nhát. Hai người không thể nói chuyện gì với nhau cả vì ngôn ngữ bất đồng. Tất nhiên không ai mở miệng nói đến chữ “yêu.” Mấy ngày sau, họ về làng của cô gái ở vùng đồng bằng sông Cửu Long làm lễ cưới, một nghi lễ không có giá trị pháp lý. Sau đám cưới, bà mối người Tàu tên là bà Vương (Wang) đưa cho Thu Yến hộ chiếu với visa nhập cảnh Trung Quốc. Mấy ngày sau, Thu Yến về đến nhà chồng, ở một làng trong một thung lũng hẻo lánh; mọi người chung quanh nói thứ tiếng cô không hiểu được.

Trung Quốc có rất nhiều đàn ông ế vợ, một phần vì chính sách của Mao Trạch Ðông chỉ cho phép mỗi cặp vợ chồng có một đứa con, áp dụng cho phần lớn nhưng không phải tất cả dân Trung Hoa. Vì mong có con trai nối dõi, nhiều người đã giết chết các trẻ sơ sinh con gái, nhiều nhất là ở miền quê; gây ra cảnh trai thừa gái thiếu hiện nay.

Theo báo Nhà Kinh tế (The Economist, March 6, 2010), đầu năm 2010 Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc (CASS) đã tiên đoán trong mười năm nữa ở nước Tầu cứ năm (5) thanh niên đến tuổi cưới vợ sẽ có một chàng không thể tìm được cô nào để “rước về.” Con số này tính ra dựa trên tỷ lệ số trẻ em trai và gái sinh ra trong khoảng từ 5, 10 năm trước. Vào năm 2020 trong lớp tuổi 19 trở xuống, sẽ có từ 30 đến 40 triệu thanh niên “thặng dư” so với số phụ nữ độc thân cùng tuổi, nghĩa là họ không thể nào có vợ - trừ khi nhập cảng phụ nữ hoặc xuất khẩu đàn ông!

Ðể độc giả thấy rõ con số đó lớn hay nhỏ ra sao, báo Economist đã so sánh: Con số 40 triệu này lớn bằng tất cả số thanh niên cùng tuổi ở nước Mỹ vào năm 2020, có vợ hoặc chưa có vợ. Trong lịch sử loài người, trong thời gian không có chiến tranh, chưa bao giờ một nước nào trên thế giới lại “chứa” một lực lượng đàn ông độc thân và ế vợ cao đến thế. Nếu so sánh với Việt Nam thì con số 40 triệu đó cũng xấp xỉ một nửa dân số nước ta, tức là gần bằng tổng số người đàn ông, con trai người Việt, kể từ trẻ sơ sinh tới các cụ già.

Trong các xã hội bình thường, cứ 100 trẻ em gái sinh ra thì có từ 103 đến 106 trẻ sơ sinh con trai. Vì trẻ em con trai dễ bị chết yểu hơn con gái, cho nên khi chúng lớn lên đến tuổi lập gia đình thì số trai gái cao xấp xỉ bằng nhau. Nhưng tại nhiều nước hiện nay tỷ lệ 100 gái/105 trai không còn nữa. Trong những năm từ 1985 đến 1989, tỷ lệ nam nữ ở Trung Hoa đã chênh lệch thành 100/108, tức là 100 bé gái thì có 108 bé trai. Trong những năm từ 2000 đến 2004, tỷ lệ càng nghiêng lệch thêm, 100 bé gái sinh ra thì sinh 124 bé trai. Tại nhiều tỉnh ở miền Nam và Trung nước Tầu, tỷ lệ này lên tới 100/130 hay 140.

Tỉnh Quảng Ðông, ở sát nước ta, là nơi cứ 100 em gái ra đời thì có 120 em trai. Ðến năm 2025, 2030, cứ 100 cô gái sẽ có 120 cậu trai muốn cưới làm vợ. Nếu trong mươi năm tới ở tỉnh trù phú nhất Trung Quốc này, mà có độ dăm, mười triệu thanh niên ế vợ, thì có ảnh hưởng gì tới xã hội Việt Nam hay không?

Chương trình ti vi trên đài France 2 chắc sẽ làm các khán giả người Pháp kinh ngạc. Nhưng đối với khán giả người Việt Nam thì chắc đó cũng là một mối sỉ nhục. Trong lịch sử nước ta chưa bao giờ có cảnh phụ nữ được đem bày hàng để bán, với điều kiện “không hài lòng thì đổi” để tận tình phục vụ người tiêu thụ. Chỉ dưới chế độ “ưu việt” kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay mới biến các cô gái thành hàng hóa xuất khẩu như vậy. Nhưng sau khi cảm thấy tủi nhục, người Việt Nam còn lo ngại nữa.

Có một quy luật dân số học, trong quá khứ, nhận thấy rằng các nước nhiều thanh niên ế vợ thường hay gây chiến với lân bang. Khi dân số nước đó tăng lên nhanh hơn khả năng sản xuất, số thanh niên trai tráng nhiều hơn, đa số trong tuổi lao động bị thất nghiệp, quá nhiều người không thể nào kiếm được vợ vì thừa trai thiếu gái, thì chiến tranh có thể giúp giải quyết cả ba vấn đề một lúc: thất nghiệp, dân số đông, và đàn ông ế vợ. Chính quyền một quốc gia quá đông “quang côn” thấy đó là một cách giải quyết số đàn ông thặng dư. Nếu không, đám thanh niên “bức xúc” và bất mãn đó sẽ dùng thời giờ không làm việc để gây tội ác, hoặc quay ra làm cách mạng, nổi loạn chống chính quyền. Không phải cuộc chiến tranh nào cũng xẩy ra vì quá nhiều thanh niên ế vợ; nhưng trong một xã hội mà số đàn ông thặng dư đông quá thì, khi kinh tế suy yếu, người cầm quyền thường gây chiến.

Ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình mới nhậm chức đã gia tăng ngân sách quân sự, tỷ số gia tăng lớn quá đến nỗi Bắc Kinh phải lên tiếng giải thích, khi nhiều quốc gia tỏ ý lo ngại. Ông Tập Cận Bình tăng ngân sách quốc phòng chỉ để mua chuộc các tướng lãnh Trung Quốc? Hay ông đang lo trước vấn đề do 35 triệu quang côn sẽ gây ra trong mươi năm sắp tới?

DienDanCTM
nguồn:http://www.nguoi-viet.com/

Cái khốc hại của độc đảng

Khi tôi gửi những bài viết đầu tiên cho Ban biên tập Cùng Viết Hiến Pháp, tôi có nhắn gửi rằng, tôi hiểu việc ký tên vào bản Dự thảo Hiến pháp của nhóm 72 trí thức, cũng như việc tham gia trang Cùng Viết Hiến pháp, không đơn thuần chỉ là để có một bản Hiến pháp tốt, mà cái quan trọng hơn là để thức tỉnh người dân về quyền và trách nhiệm công dân của mình.
Khi bài viết “Vài lời…” của tôi được lan truyền, nhiều người đã nhắn gửi tôi rằng, họ khâm phục, họ kính trọng việc làm của tôi, rằng họ hèn…
Chuyện người dân không ý thức hết về quyền công dân của mình, hay chuyện những người bạn tôi nhận họ hèn mới nhìn qua thì không có gì nghiêm trọng. Nếu có ai đó coi là chuyện thường tình, nhỏ nhặt thì cũng chẳng đáng ngạc nhiên.  Nhưng ít người biết rằng, những sự tệ hại xấu xa nhất mà xã hội con người có thể tạo nên lại có thể xuất phát từ những “thường tình, nhỏ nhặt” đó.
Gần đây, người ta quay lại tranh luận về chuyện độc đảng hay đa đảng. Có những lý lẽ xem chừng rất thuyết phục được đưa ra, như lý lẽ của Thiếu tướng Lê Văn Cương. Tại sao Trung Quốc độc đảng vẫn phát triển vượt xa một Ấn Độ đa đảng? Hay tham nhũng, suy thoái kinh tế nước nào chẳng có, đâu cứ nước độc đảng… quan trọng là cách thiết kế bộ máy, cách kiểm soát để hạn chế tham nhũng, lũng đoạn(*).
Nếu chỉ nhìn ở góc độ một nhà nước để cai trị, rất khó để phủ nhận lập luận của Thiếu tướng Cương. Emmanuel Poisson còn chỉ ra rằng, bộ máy quan lại trong chế độ quân chủ phương Đông là một thiết kế đáng ngạc nhiên về độ hiệu quả và ổn định khi nó đã tồn tại hàng nghìn năm, các triều đại thay nhau, nhưng thiết kế bộ máy thì không mấy thay đổi(**). Hay là chúng ta quay trở lại chế độ vua quan?
Có lẽ chẳng ai thèm đếm xỉa đến câu hỏi ngớ ngẩn này. Nếu chỉ đặt mục tiêu cai trị thì thiết kế của nhà nước quân chủ phương Đông thật đáng tham khảo, nhưng nếu đặt mục tiêu phát huy phẩm giá, nhân cách con người, quyền làm chủ của nhân dân thì chúng ta sẽ phải suy nghĩ khác.
Độc đảng hay đa đảng khác nhau căn bản không phải hình thức tồn tại của nó mà ở phương thức để nó duy trì sự tồn tại của mình. Nhà nước độc đảng, cũng giống như nhà nước quân chủ chuyên chế và thực dân, muốn tồn tại và hợp thức hoá sự lãnh đạo của mình, không thể không viện đến một hệ thống áp chế về tư tưởng, nô dịch về văn hóa và trói buộc về tư duy. Một cách tự nhiên, trong hệ thống đó, mọi sự khác biệt đều không được khuyến khích, thậm chí bóp nghẹt. Nếu nhà nước có thể biến tất cả những thần dân thành những chú cừu ngoan ngoãn thì càng tốt. Những chú cừu ngoan ngoãn đó vẫn có thể sản xuất ra thật nhiều của cải, để làm đẹp các con số thống kê, nâng cao bảng thành tích. Cuối cùng, chính những bảng thành tích đó lại có thể dùng làm bằng cớ cho sự ngụy biện của giới cai trị. Nhưng có một điều bất biến, những chú cừu đó chẳng bao giờ được khuyến khích để có thể tự ý thức như những con người.
Vì thế có những người thừa nhận với tôi là họ hèn như một sự hiển nhiên không cần phải giấu giếm. Sự đó có thể vô hại trong trường hợp này, nhưng hãy tưởng tượng, một xã hội toàn những con người mà những phẩm giá bị giũ bỏ, coi khinh như một lẽ thường tình thì xã hội đó sẽ như thế nào?
Người ta dễ dàng tránh xa và lên án những tội ác hiển nhiên như giết người, cướp của, nhưng không mấy ai biết xã hội ngày càng tồi tệ đi, không thể cứu chữa nổi là từ những cái tội khó quy thành tội, từ những cái ác khó quy thành ác được dễ dàng thoả hiệp và diễn ra hàng ngày.
Tôi tin rằng, nếu ĐCS VN có được đội ngũ lãnh đạo tốt, một cơ chế kiểm soát  quyền lực đủ mạnh, họ có thể dẫn dắt đất nước đạt nhiều thành tích đáng kể về kinh tế, nhưng để phát huy quyền làm chủ và phẩm giá con người Việt Nam, họ sẽ không thể nào làm được nếu không tự rút súng bắn vào chân mình.
Nguyễn Đắc Kiên
(*) Xem thêm: Emmanuel Poisson, Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam – một bộ máy hành chính trước thử thách (1820 – 1918), NXB Đà Nẵng, năm 2006

về một vài định kiến tai hại

Mỗi người chúng ta sinh ra ở trên đời là một sinh thể tự do. Mẹ cha – quê hương cho ta lời ru – giọng nói, nuôi dạy chúng ta khôn lớn, trưởng thành. Chúng ta có đi gây thù chuốc oán với ai đâu, mà sao lúc nào cũng “phải hỏi bạn thù, phải lo diễn biến”?
Mấy ngày qua, tôi phải giải thích cho một số bạn về hai chữ “phản động”. Thế nào là phản động? Nói xấu “Đảng và Nhà nước” là phản động à? Vậy hàng trăm báo, đài trong nước, rồi cả một số vị lãnh đạo của ĐCS cũng luôn miệng gọi các đài, báo nước ngoài là “phản động” thì không phải là nói xấu, là miệt thị họ đó sao?
Vậy ai mới là phản động?
Không ai cả.  Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần suy nghĩ lại để thay đổi một vài nhận thức đã thành xưa cũ. “Phản động” là một trong số đó. Theo suy nghĩ của tôi, không có ai là phản động cả trong các trường hợp kể trên. Chỉ có những ý kiến khác biệt, thậm chí đối nghịch. Đó là lẽ thường. Chỉ có các nhóm, các đảng phái khác biệt, thậm chí đối lập. Đó cũng là lẽ thường.
Tôi coi ĐCS Việt Nam cũng như mọi đảng phái chính trị khác đã, đang và sẽ tồn tại trên đất nước Việt Nam. Tôi coi mọi đài, báo nước ngoài, như mọi đài, báo ở Việt Nam. Tôi nhìn nhận sự khác biệt về quan điểm nếu có của các đài, báo này như một lẽ thường tình. Không đài, báo nào là phản động cả.
Tôi cho rằng, muốn tất cả ngồi lại được với nhau, để cùng đối thoại thì đầu tiên phải xoá bỏ những rào cản nhận thức, như với hai chữ “phản động” bàn ở đây. Mọi người dân cần được giải thích rõ để hiểu rằng, không có ai là phản động cả. Nhưng trước tiên, tôi cho rằng, các nhà hoạt động dân chủ trong và ngoài nước phải đi đầu trong việc xoá bỏ nhận thức này. Các bạn phải khẳng định rõ ràng, chúng tôi không phản động. Chúng tôi khác biệt, đối lập với ĐCS VN, nhưng không phản động.
Khi điều này được xác quyết thì cách đặt vấn đề tự nhiên cũng sẽ khác đi. Khi đó tất cả sẽ đặt trong một trạng huống đối thoại sòng phẳng, không có chỗ cho sự phỉ báng, hằn học, quy chụp nặng nề của tất cả các bên.
Danh sách những người ký vào Bản Tuyên bố Công dân Tự do chẳng nhẽ không nói cho chúng ta điều gì sao?
Bản tuyên bố đâu có lời lẽ nào là tố cáo, là phỉ báng, là hằn học với ĐCS VN đâu? Ấy thế mà từ chị nội trợ, đến anh kỹ sư, từ bác giáo sư, đến cô bác sỹ… đều nhất loạt ký vào. Trong số 2.100 người ký tính đến tối 2/3, người Việt ở nước ngoài chiếm đa số tuyệt đối. Đấy chẳng phải là chỉ dấu cho mong muốn xoá bỏ hận thù, tức giận? Chẳng phải là chỉ dấu cho thấy người Việt ở khắp nơi đang mong mỏi cho một cuộc hoà hợp dân tộc nay mai hay sao?
Vì vậy, tôi kêu gọi tất cả mọi người Việt nam, ở trong hay ngoài nước, hãy xóa bỏ hết đi trong suy nghĩ của mình, nào là “phản động”, nào là “diễn biến hòa bình”, “thế lực thù địch”… Những thứ đó không đáng để tồn tại như một nỗi ám ảnh với một dân tộc yêu chuộng hòa bình và tự do như dân tộc Việt Nam.
Thân mến,
Nguyễn Đắc Kiên

Thư ngỏ

Thưa các bạn!
Tôi viết thư này để trả lời một số câu hỏi các bạn gửi đến tôi mấy ngày qua.
Về lo lắng cho sự an nguy của tôi. Tôi hiểu, càng nhiều người quan tâm, ủng hộ tôi, sự an toàn của tôi càng bị đe dọa cao hơn, nhưng cũng có thể ngược lại. Tôi biết trong đội ngũ lãnh đạo của ĐCS VN hiện nay cũng có rất nhiều người có suy nghĩ tiến bộ.
Tôi cũng tự dặn mình, phải hết sức thận trọng trong lời nói và hành động. Tôi không muốn đẩy người khác vào hành động phi nghĩa, vì tôi hiểu nỗ lực đẩy người khác vào hành động phi nghĩa tức là đang làm một việc phi nghĩa. Dân tộc chúng ta đã có quá nhiều sự thù hằn, tức giận rồi, tôi hy vọng, bản thân và tất cả chúng ta sẽ không cố gắng để tạo thêm những sự thù hằn và tức giận như thế nữa.
Cụm từ “sát cánh bên nhà báo Nguyễn Đắc Kiên”, khiến tôi ngại ngùng khi ký vào bản “Tuyên bố Công dân Tự do”. Tôi sẽ gửi thư đề nghị các bạn khởi xướng bỏ cụm từ đó đi, để tôi được ký tên mình, cùng với hàng nghìn, triệu đồng bào. Tôi nghĩ rằng, mỗi người chúng ta không sát cánh cùng anh Kiên hay bất cứ người nào khác, chúng ta ký tên vì chính chúng ta, vì tổ tiên ngàn đời, vì con cháu tương lai. Vì thế tôi kêu gọi tất cả, không phân biệt trong hay ngoài nước, còn hay không còn quốc tịch Việt Nam, miễn là mang trong mình dòng máu Việt, ký tên vào bản tuyên bố công dân này.
Có người chất vấn tôi về chuyện làm sao để Tha thứ và Hòa giải, đó là chất vấn xác đáng. Tuy tôi e rằng, nói điều đó ra bây giờ là sớm, nhưng vì không biết ngày mai sẽ ra sao nên cứ nói ra thì vẫn hơn. Chúng ta cứ nhìn sang Myanmar thôi, không cần nhìn đâu xa, họ làm được, tôi tin chúng ta cũng làm được, có khi còn tốt hơn. Sao không lập một Ủy ban hòa giải dân tộc, với thành viên là các nhân sỹ, trí thức trong và ngoài nước, kể cả một số lãnh đạo tiến bộ của ĐCS VN? Tôi nghĩ rất nhiều người sẵn sàng tham gia. Sao không lập một chính phủ lâm thời điều hành đất nước cho đến khi tổ chức xong Hội nghị lập Hiến, ban hành Hiến pháp mới, bầu Quốc hội mới? Tôi tin tưởng có nhiều người, kể cả trong đội ngũ lãnh đạo ĐCS VN hiện nay có thể đảm nhận tốt vị trí trong Chính phủ lâm thời để giữ vững sự thống nhất quốc gia trong giai đoạn chuyển giao.
Nhưng để làm được điều đó, trước tiên tôi nghĩ, không chỉ nhân dân, những người đấu tranh cho dân chủ tự do mà cả các vị lãnh đạo của ĐCS VN, cần vượt qua sự sợ hãi, vượt qua sự tức giận, thử một lần thôi, tôi xin các ngài đặt mình là một người Việt Nam bình thường, lắng nghe những ý kiến khác biệt.
Tôi nghĩ rằng, một điều kiện tiên quyết khác cho sự hòa giải là một điều khoản bắt buộc, trong đó, không cho phép hồi tố, truy cứu trách nhiệm những tội phạm làm tổn hại lợi ích dân tộc, quốc gia hay bất cứ hành động mang tính trả thù nào với những người ở chế độ cũ. Tôi cho rằng đây là điểm quan trọng trong việc giúp giới lãnh đạo ĐCS VN hiện nay vượt qua sự sợ hãi. Tôi cũng như tất cả các bạn đều đau xót vì những khoản tiền tỷ đô la bị thất thoát, tham nhũng, nhưng cứ thử nghĩ đến xương máu có thể đổ, thử nghĩ đến tương lai hàng trăm nghìn năm nữa của dân tộc, những khoản nợ đó chẳng phải là rất nhỏ sao? Vậy sao chúng ta không mạnh dạn xóa nó đi để bảo vệ cái toàn cục lâu dài. Hơn nữa, chúng ta có thể tha thứ cho kẻ thù ngoại bang, sao không thể tha thứ cho đồng bào, anh em ruột thịt mình?
Có nhiều người cho rằng, tôi chỉ là một kẻ cơ hội, tự bản thân tôi thấy không cần phải trả lời chất vấn này, nhưng tôi nói chuyện này ở đây để bàn sang chuyện khác xa hơn. Bác Nguyễn Quang A có nói là sẽ sắp xếp cho tôi một công việc biên tập ở một NXB. Đó là công việc mơ ước của tôi, tôi sẽ có điều kiện vừa làm việc, vừa đọc và tìm hiểu thêm các vấn đề mình quan tâm. Tôi chỉ mong ước có thế và không gì hơn, những người đã có thời gian quen thân tôi lâu có thể làm chứng. Tôi hiểu, một sự chuyển đổi nếu có, thì đằng sau nó còn rất nhiều việc phải làm, mà một việc quan trọng bậc nhất là phổ biến tinh thần dân chủ tiến bộ đến toàn thể nhân dân, công việc đã nói ở trên có thể giúp tôi thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Nhưng một điều quan trọng hơn tôi muốn bàn là suy nghĩ về những người tài và trọng dụng người tài. Nền nho học tuyển cử hàng nghìn năm đã khiến chúng ta đặt định vị trí hiền tài khi nào cũng gắn với việc làm quan. Điều đó sẽ thay đổi trong một xã hội dân chủ. Tôi hiểu, một đất nước muốn phát triển cần phải có thật nhiều người tài làm thương gia, nhà khoa học, giáo sư, bác sỹ, kỹ sư, công nhân lành nghề, nông dân thạo việc… không phải dồn hết người tài vào làm mỗi công việc quan, việc chính trị. Tôi thích cách người Mỹ thiết kế bộ máy nhà nước của họ, đó là một bản thiết kế không hoàn hảo, nhưng nó là bản thiết kế để cho mọi sai lầm có thể sửa chữa với ít hao tổn nhất cho nhân dân, đất nước.
Lịch sử dân tộc đã chứng minh, mỗi khi lòng dân ly tán là lúc vận mệnh đất nước bị đe dọa nghiêm trọng nhất. Theo cảm nhận của tôi, đất nước chúng ta đang vào ở trong tình thế lâm nguy đó. Hơn khi nào hết, chúng ta cần sự đồng lòng, nhất trí của tất cả người dân Việt Nam, để đưa đất nước tiến lên.
Trân trọng,
Nguyễn Đắc Kiên

Vài lời với TBT ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng

Chương trình Thời sự VTV1, 19h, ngày 25/2 đưa phát biểu tại Vĩnh Phúc của TBT ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng như sau: Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức … Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa!”(*)
Bằng tất cả sự tôn trọng dành cho người đang đứng đầu một đảng chính trị của VN, tôi xin nói với ông Nguyễn Phú Trọng vài lời như sau:
Đầu tiên, cần phải xác định, ông đang nói với ai? Nếu ông nói với nhân dân cả nước thì xin khẳng định luôn là ông không có tư cách. Ông là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nếu muốn dùng hai chữ “suy thoái” thì cùng lắm là ông chỉ có thể nói với những người đang là đảng viên cộng sản, ông không đủ tư cách để nói lời đó với nhân dân cả nước. Nếu ông và các đồng chí của ông muốn giữ Điều 4, muốn giữ vai trò lãnh đạo, muốn chính trị hóa quân đội, không muốn đa đảng, không muốn tam quyền phân lập, thì đó chỉ là ý muốn của riêng ông và ĐCS của ông. Ông không thể quy kết rằng đó là ý muốn của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, nhữngý muốn trên chỉ nên xem là của riêng ông TBT Trọng, chưa chắc đã là tâm nguyện của toàn bộ đảng viên cộng sản hiện nay.
Tiếp theo, xin đi vào nội dung, ông nói suy thoái về đạo đức. Tôi muốn hỏi ông, đạo đức của ông đang muốn nói là đạo đức nào? Đạo đức làm người? Đạo đức công dân? Đạo đức dân tộc VN? … Tôi tạm đoán là ông đang muốn nói đến đạo đức người cộng sảncủa các ông. Vậy, các ông cho rằng chỉ có đạo đức cộng sản của các ông là đạo đức đích thực? Thế ra, cha ông tổ tiên chúng ta, khi chưa có chủ nghĩa cộng sản vô đạo đức hết à? Thế ra, những người không theo đảng cộng sản trên thế giới là vô đạo đức hết à?
Tiếp theo, xin đi vào nội dung suy thoái chính trị, tư tưởng. Tôi muốn hỏi ông, chính trị, tư tưởng ông đang muốn nói là chính trị, tư tưởng nào? Có phải chính trị, tư tưởng của đảng cộng sản? Vậy ra chỉ có đảng cộng sản của các ông là duy nhất đúng à?Cá nhân tôi cho rằng, không một người có lương tri bình thường nào thừa nhận như thế. Cùng lắm ông chỉ có thể nói với các đảng viên cộng sản như vậy, nhưng ngay cả với các đảng viên cộng sản, ông cũng không thể quy kết tội suy thoái cho họ. Nếu không tin, ông thử đọc lại Cương lĩnh chính trị và Điều lệ đảng các ông ban hành xem. Không có điều nào nói xóa bỏ Điều 4 là suy thoái, muốn đa nguyên về chính trị là suy thoái, muốn phi chính trị hóa quân đội là suy thoái, chỉ có tham ô, tham nhũng…  đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của dân tộc là suy thoái. Ông đương kim Tổng bí thư ĐCS VN thử đọc lại và nghĩ lại chỗ này xem.
Bây giờ, tôi trân trọng tuyên bố những điều tôi muốn:
  1. Tôi không chỉ muốn bỏ Điều 4 trong Hiến pháp hiện hành, mà tôi muốn tổ chức một Hội nghị lập hiến, lập một Hiến pháp mới thực sự là ý chí của toàn dân Việt Nam, không phải là ý chí của đảng cộng sản như Hiến pháp hiện hành.
  2. Tôi ủng hộ đa nguyên, đa đảng, ủng hộ các đảng cạnh tranh lành mạnh vì tự do, dân chủ, vì hòa bình, tiến bộ của dân tộc Việt Nam, không một đảng nào, lấy bất cứ tư cách gì để thao túng, toàn trị đất nước.
  3. Tôi không chỉ ủng hộ xây dựng một chính thể tam quyền phân lập mà còn muốn một chính thể phân quyền theo chiều dọc, tức là tăng tính tự trị cho các địa phương, xây dựng chính quyền địa phương mạnh, xóa bỏ các tập đoàn quốc gia, các đoàn thể quốc gia tiêu tốn ngân sách, tham nhũng của cải của nhân dân, phá hoại niềm tin, ý chí và tinh thần đoàn kết dân tộc.
  4. Tôi ủng hộ phi chính trị hóa quân đội. Quân đội là để bảo vệ nhân dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ cương vực, lãnh thổ không phải bảo vệ bất cứ một đảng phái nào.
  5. Tôi khẳng định mình có quyền tuyên bố như trên và tất cả những người Việt Nam khác đều có quyền tuyên bố như thế. Tôi khẳng định, mình đang thực hiện quyền cơ bản của con người là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng; quyền này mỗi người sinh ra đã tự nhiên có, nó được nhân dân Việt Nam thừa nhận và tôn trọng; quyền này không phải do đảng cộng sản của các ông ban cho, nên các ông cũng không có quyền tước đoạt hay phán xét nó. Vì thế, tôi có thể xem những lời phán xét trên của ông, nếu có hướng đến tôi là một sự phỉ báng cá nhân. Và tôi cho rằng, những người nào chống lại các quyền trên là phản động, là đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, dân tộc, đi ngược lại xu hướng tiến bộ của nhân loại.

Tài liệu để tham khảo, thảo luận:
DỰ THẢO HIẾN PHÁP 2013
LỜI NÓI ĐẦU
Kế tiếp nền văn hiến và truyền thống bất khuất của các thế hệ tiền nhân đã dựng xây và bảo vệ đất nước, đã đấu tranh vì tự do và độc lập của dân tộc,vì một xã hội công bằng, dân chủ và tôn trọng pháp quyền, vì mục tiêu hạnh phúc và tự do của các thế hệ hiện tại và tương lai,chúng tôi, nhân dân Việt Nam, thông qua các đại diện của mình, xây dựng bản Hiến pháp này.
CHƯƠNG I. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Chủ quyền quốc gia
Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.
Điều 2. Chủ quyền nhân dân
Chủ quyền Việt Nam thuộc về nhân dân và tất cả các quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân. Quyền lập hiến là một quyền không thể bị tước đoạt của nhân dân.
Điều 3. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam
1. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển. Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, có quyền phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.
4. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hội nhập vào sự phát triển chung của đất nước.
Điều 4. Công dân
1. Công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam. Quốc tịch Việt Nam được luật quy định.
2. Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam, giao nộp cho nhà nước khác.
3. Nhà nước bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.
4. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
5. Người gốc Việt Nam có quốc tịch nước khác hoặc chưa có quốc tịch nước nào có quyền có quốc tịch Việt Nam.
6. Địa vị của người nước ngoài được đảm bảo theo quy định của luật pháp quốc tế và điều ước quốc tế.
Điều 5. Các điều ước quốc tế
1. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thừa nhận, kế thừa và tôn trọng các điều ước quốc tế đã được các chính quyền Việt Nam trước đây ký kết và ban hành không trái với các hiến pháp tương ứng và các quy tắc chung được luật pháp quốc tế công nhận vào thời điểm đó.
2. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thừa nhận bất cứ điều ước, thỏa thuận hay tuyên bố nào mà các chính quyền Việt Nam trước đây đã ký kết hoặc đưa ra một cách bí mật, không đúng thẩm quyền hoặc không đúng theo các thủ tục pháp luật vào thời điểm đó.
3. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thừa nhận bất cứ điều ước, thỏa thuận hay tuyên bố do bất cứ đảng phái chính trị, tổ chức phi nhà nước hay cá nhân nào đã ký kết hoặc đưa ra, một cách bí mật hay công khai, liên quan đến chủ quyền hay lãnh thổ Việt Nam.
Điều 6. Tôn trọng hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và nhân dân
1. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nỗ lực duy trì hòa bình quốc tế và từ bỏ chiến tranh xâm lược.
2. Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và giữ gìn an ninh quốc gia là nghĩa vụ thiêng liêng của toàn thể nhân dân Việt Nam.
3. Các lực lượng vũ trang được trao sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia.
4. Các lực lượng vũ trang phải duy trì tính trung lập về chính trị, đặt lợi ích của nhân dân lên trước bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào.
Điều 7. Tính chất dân sự của lực lượng cảnh sát
Lực lượng cảnh sát có sứ mệnh thực thi luật pháp và giữ gìn trật tự. Cảnh sát thuộc lĩnh vực dân sự, không thuộc về các lực lượng vũ trang.
Điều 8. Trách nhiệm của công chức
1. Công chức là công bộc của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân.
2. Địa vị và tính trung lập chính trị của công chức được đảm bảo theo quy định của pháp luật
Điều 9. Đảng phái chính trị
1. Các đảng phái chính trị được tự do thành lập và hoạt động theo các nguyên tắc dân chủ. Quyền đối lập chính trị được tôn trọng.
2. Pháp luật bảo đảm sự bình đẳng giữa các đảng phái chính trị.
Điều 10. Nền kinh tế quốc dân
1. Nền kinh tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dựa trên sự tôn trọng tự do và sáng kiến của các doanh nghiệp và cá nhân trong đời sống kinh tế.
2. Nhà nước có thể quy định và điều phối các hoạt động kinh tế nhằm duy trì sự tăng trưởng cân bằng, bền vững và ổn định, nhằm phân phối thu nhập, ngăn chặn sự thống lĩnh thị trường và lạm quyền kinh tế.
3. Nhà nước có nghĩa vụ thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế để có nền kinh tế quốc gia cân đối. Nhà nước thúc đẩy kinh tế bằng việc phát triển khoa học, công nghệ, thông tin, nguồn nhân lực và khuyến khích sáng tạo.
Điều 11. Quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, quốc khánh và thủ đô
1. Quốc kỳ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.
2. Quốc huy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
3. Quốc ca nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”.
4. Ngày Quốc khánh là Ngày Tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945.
5. Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Hà Nội.
CHƯƠNG II. QUYỀN CON NGƯỜI, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CƠ BẢN CỦA CÔNG DÂN
Điều 12. Nguyên tắc tôn trọng các quyền con người
1. Ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các quyền con người, được ghi nhận trongTuyên ngôn nhân quyền quốc tế (1948) và các điều ước quốc tế về quyền con người khác mà Việt Nam là thành viên, được tôn trọng và bảo vệ.
2. Các cơ quan nhà nước, công chức và viên chức có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.
Điều 13. Quyền bình đẳng
1. Mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tự do mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào dựa vào giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay các yếu tố khác.
2. Các nhóm thiểu số được ưu tiên bảo vệ.
Điều 14. Quyền sống, tự do và an toàn cá nhân
Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân. Quyền sống trong một môi trường trong lành của mọi người phải được tôn trọng và bảo vệ.
Điều 15. Tự do không bị làm nô lệ
Không ai bị bắt làm nô lệ hoặc bị cưỡng bức làm việc như nô lệ. Mọi hình thức nô lệ và buôn bán người đều bị cấm.
Điều 16. Quyền không bị tra tấn và các quyền trong lĩnh vực tư pháp hình sự
1. Không ai bị tra tấn hay bị đối xử, xử phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm.
2. Không ai bị bắt, giữ hay giam giữ một cách tuỳ tiện. Trong vòng 24 giờ kể từ khi bị bắt, người bị bắt phải được đưa ra trước một tòa án để xem xét phê chuẩn hoặc hủy bỏ việc bắt giữ.
3. Mọi người, nếu bị cáo buộc về hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội theo pháp luật, tại một phiên toà xét xử công khai, nơi người đó được bảo đảm những điều kiện cần thiết để bào chữa cho mình.
4. Không ai bị cáo buộc là phạm tội vì bất cứ hành vi nào không cấu thành một tội phạm hình sự theo pháp luật quốc gia hay pháp luật quốc tế vào thời điểm thực hiện hành vi đó. Cũng không ai bị tuyên phạt nặng hơn mức hình phạt được quy định vào thời điểm hành vi phạm tội được thực hiện.
Điều 17. Quyền được tòa án bảo vệ và quyền được xét xử công bằng
1. Mọi người đều có quyền được các toà án có thẩm quyền bảo vệ bằng các biện pháp hữu hiệu để chống lại những hành vi vi phạm các quyền cơ bản của họ đã được hiến pháp hay luật pháp quy định.
2. Mọi người đều bình đẳng về quyền được xét xử công bằng, công khai bởi một toà án độc lập và khách quan để xác định các quyền và nghĩa vụ của họ, cũng như về bất cứ sự buộc tội nào đối với họ.
Điều 18. Bảo vệ danh dự, uy tín và quyền riêng tư
1. Danh dự và uy tín cá nhân của mọi người được tôn trọng.
2. Cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở và thư tín của mọi người được tôn trọng.
Điều 19. Quyền tự do đi lại và tự do cư trú
1. Mọi người đều có quyền tự do đi lại và tự do cư trú trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia.
2. Mọi người đều có quyền rời khỏi và quyền trở về Việt Nam.
Điều 20. Quyền kết hôn
1. Mọi người khi đủ tuổi đều có quyền kết hôn và xây dựng gia đình mà không có bất kỳ sự hạn chế nào về chủng tộc, quốc tịch, tôn giáo hay giới tính.
2. Việc kết hôn chỉ được tiến hành với sự đồng ý hoàn toàn và tự nguyện của cặp vợ chồng tương lai.
Điều 21. Quyền sở hữu
1. Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản tư nhân hoặc sở hữu chung với người khác. Không ai bị tước đoạt tài sản một cách tuỳ tiện.
2. Đất đai có thể thuộc sở hữu tư nhân, sở hữu tập thể, sở hữu cộng đồng hoặc sở hữu nhà nước.
Điều 22. Tư do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo
Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo.
Điều 23. Tự do ngôn luận, biểu tình, hội họp và lập hội
1. Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến bằng mọi hình thức. Tư nhân có quyền ra báo, xuất bản.
2. Mọi người đều có quyền tự do biểu tình, hội họp một cách ôn hòa.
3. Mọi người đều có quyền tự do lập hội. Không ai bị ép buộc phải tham gia vào bất cứ tổ chức nào.
Điều 24. Quyền tham gia chính trị
Mọi công dân đều có quyền tham gia quản lý đất nước, một cách trực tiếp hoặc thông qua các đại biểu mà họ tự do lựa chọn trong các cuộc bầu cử.
Điều 25. Quyền hưởng an sinh xã hội
Mọi người đều có quyền được hưởng an sinh xã hội.
Điều 26. Quyền lao động và nghiệp đoàn
1. Mọi người đều có quyền làm việc, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng, thuận lợi và được bảo vệ chống lại nạn thất nghiệp.
2. Mọi người đều có quyền được trả công ngang nhau cho những công việc như nhau mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.
3. Mọi người lao động đều có quyền được hưởng chế độ thù lao công bằng và hợp lý nhằm bảo đảm sự tồn tại của bản thân và gia đình xứng đáng với nhân phẩm.
4. Mọi người đều có quyền thành lập hoặc gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ các quyền lợi của mình.
5. Quyền đình công của người lao động được bảo đảm bằng luật.
Điều 27. Quyền có mức sống thích đáng
1. Mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống thích đáng, đủ để đảm bảo sức khoẻ và phúc lợi của bản thân và gia đình, cũng như có quyền được bảo hiểm trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, góa bụa, già hoặc thiếu phương tiện sinh sống do những hoàn cảnh khách quan vượt quá khả năng đối phó của họ.
2. Các bà mẹ và trẻ em có quyền được hưởng sự chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt. Mọi trẻ em, dù sinh ra trong hay ngoài giá thú, đều phải được hưởng sự bảo trợ xã hội như nhau.
Điều 28. Quyền học tập
Mọi người đều có quyền học tập. Giáo dục tiểu học là bắt buộc và miễn phí.
Điều 29. Quyền về văn hóa
1. Mọi người có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và chia sẻ những tiến bộ khoa học cũng như những lợi ích xuất phát từ những tiến bộ khoa học.
2. Mọi người đều có quyền được bảo vệ các quyền lợi vật chất và tinh thần phát sinh từ bất kỳ sáng tạo khoa học, văn học hay nghệ thuật nào mà người đó là tác giả.
Điều 30. Bảo vệ người tiêu dùng
Nhà nước phải có các biện pháp hữu hiệu bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Điều 31. Nguyên tắc chung của nghĩa vụ
Mọi người đều có những nghĩa vụ đối với cộng đồng. Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.
Điều 31. Nghĩa vụ nộp thuế
Mọi công dân có nghĩa vụ nộp thuế theo các điều kiện luật định.
Điều 32. Bảo vệ Tổ quốc và tri ân những người có công
1. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng. Mọi công dân đều có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.
2. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tôn vinh công lao của tất cả những người đã hy sinh tính mạng để bảo vệ Tổ quốc, ghi nhận và tôn vinh công lao của các thương binh, các cựu chiến binh bất luận họ đã phục vụ trong chính thể nào trong quá khứ và có chính sách hỗ trợ họ trong giáo dục, đào tạo nghề và trong mưu sinh.
Điều 33. Nghĩa vụ quân sự
Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia lực lượng vũ trang dự bị theo luật định.
CHƯƠNG III. LẬP PHÁP
Điều 34. Quốc hội
1. Quyền lập pháp được nhân dân ủy quyền cho Quốc hội. Quốc hội bao gồm Hạ viện và Thượng viện.
2. Thành viên của Quốc hội là các nghị sĩ, gồm Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ. Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ do nhân dân bầu ra thông qua bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
3. Không ai có thể đồng thời là Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ.
4. Quốc hội có quyền lập pháp, phê chuẩn việc bổ nhiệm lãnh đạo các cơ quan hành pháp, bổ nhiệm các thẩm phán, lãnh đạo các cơ quan hiến định độc lập theo quy định của Hiến pháp và luật.
Điều 35. Hạ nghị sĩ
1. Các Hạ nghị sĩ có nhiệm kỳ 3 năm và có thể được bầu lại.
2. Mỗi đơn vị bầu cử được bầu 1 (một) Hạ Nghị sĩ.
3. Đơn vị bầu cử Hạ Nghị sĩ gồm các đơn vị hành chính cơ sở (cấp xã) nằm trong một vùng sao cho các đơn vị có dân số xấp xỉ ngang nhau.
4. Số đơn vị bầu cử của một đơn vị hành chính cấp tỉnh được tính bằng số nguyên làm tròn của con số được tính bằng dân số của đơn vị cấp tỉnh đó (theo tổng điều tra dân số gần nhất) nhân với 250 rồi chia cho dân số toàn quốc. Một đơn vị hành chính cấp tỉnh có ít nhất một đơn vị bầu cử.
5. Mọi công dân đủ 25 tuổi trước ngày bầu cử có thể là ứng cử viên Hạ nghị sĩ tại một đơn vị bầu cử nếu: (a) có được chữ ký của 10 ngàn cử tri ủng hộ, hoặc (b) đã từng là Nghị sĩ, hoặc (c) được một đảng chính trị đề cử.
6. Tuy các Hạ nghị sĩ được bầu theo từng đơn vị bầu cử, họ đại diện không chỉ cho người dân của đơn vị bầu cử ấy mà cho người dân cả nước.
Điều 36. Thượng nghị sĩ
1. Các Thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm và có thể được bầu lại.
2. Mỗi đơn vị hành chính cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) là một đơn vị bầu cử Thượng Nghị sĩ.
3. Mọi công dân đủ 30 tuổi trước ngày bầu cử có thể là ứng cử viên Thượng nghị sĩ tại một đơn vị bầu cử Thượng Nghị sĩ nếu: (a) có được chữ ký của 10 ngàn cử tri ủng hộ, hoặc (b) đã từng là Nghị sĩ, hoặc (c) được một đảng chính trị đề cử.
4. Số Thượng nghị sĩ mà mỗi đơn vị được bầu cử là 2. Đối với những tỉnh có người dân tộc thiểu số quá 20 % dân số tỉnh đó, thì bắt buộc phải có 1 Thượng nghị sĩ là người dân tộc thiểu số.
5. Trong lần bầu Thượng nghị sĩ đầu tiên, mỗi đơn vị bầu cử, bằng bốc thăm, chọn ra 1 Thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 3 năm và 1 Thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm, sao cho cứ 3 năm sẽ tiến hành bầu lại một nửa số Thượng nghị sĩ của Thượng viện.
6. Tuy các Thượng nghị sĩ được bầu theo từng đơn vị bầu cử, họ đại diện không chỉ cho người dân của đơn vị bầu cử ấy mà cho người dân cả nước.
Điều 37. Bầu cử Thượng viện và Hạ viện
1. Việc bầu cử toàn bộ các Hạ nghị sĩ và các Thượng nghị sĩ lần đầu tiên theo Hiến Pháp này được tiến hành trong vòng 100 ngày kể từ ngày bản Hiến pháp có hiệu lực.
2. Nghị sĩ hết nhiệm kỳ vào ngày tính đúng 36 tháng đối với các Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ được bầu lần đầu có nhiệm kỳ 3 năm kể từ ngày tuyên thệ nhậm chức; vào ngày tính đúng 72 tháng đối với các Thượng nghị sĩ có nhiệm kỳ 6 năm kể từ ngày tuyên thệ nhậm chức.
3. Trong vòng 100 ngày trước khi các Nghị sĩ hết nhiệm kỳ, phải tổ chức bầu cử các Nghị sĩ mới cho nhiệm kỳ tiếp theo. Nếu đơn vị bầu cử không hội đủ số người đắc cử theo quy định thì phải tổ chức bầu lại từ các ứng viên thất cử của đợt bầu trước đó trong vòng 15 ngày sau khi cuộc bầu cử trước kết thúc. (Các) đợt bầu cử lại này được tiến hành cho đến khi chọn đủ số người đắc cử theo quy định và trong mọi trường hợp phải kết thúc trước ngày các Nghị sĩ đương nhiệm hết nhiệm kỳ 15 ngày.
4. Nếu khuyết Nghị sĩ vì bất cứ lý do gì, thì (a) nếu thời gian nhiệm kỳ còn lại dưới 1 năm sẽ không có bầu cử bổ sung; hoặc (b) nếu thời gian nhiệm kỳ còn lại bằng hay trên 1 năm phải tổ chức bầu bổ sung tại đơn vị bầu cử đó cho đủ số bị khuyết trong vòng 60 ngày kể từ khi các Viện xác nhận sự khuyết. Nhiệm kỳ của người được bầu bổ sung sẽ chấm dứt cùng với nhiệm kỳ của các Nghị sĩ đương nhiệm.
5. Thủ tục ứng cử, tranh cử, bầu cử được quy định chi tiết trong luật bầu cử.
Điều 38. Sự chuyên trách, tuyên thệ và quyền miễn trừ của Nghị sĩ
1. Trong khi đương nhiệm các Nghị sĩ không được đồng thời giữ bất kỳ chức vụ nào khác tại bất kỳ cơ quan, tổ chức công hay tư, trong các lực lượng vũ trang hay cảnh sát. Nếu đã giữ các chức vụ như vậy trước khi được bầu làm Nghị sĩ thì phải chính thức từ nhiệm các chức vụ đó trước khi thực hiện nhiệm vụ Nghị sĩ và việc từ chối từ nhiệm sẽ được coi là từ bỏ nhiệm vụ Nghị sĩ.
2. Các Nghị sĩ được trả lương từ Ngân khố quốc gia.
3. Các Nghị sĩ, trước khi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ, sẽ phải tuyên thệ trước mỗi Viện: “Tôi long trọng tuyên thệ thực hiện các nhiệm vụ của mình một cách mẫn cán và tận tâm, để bảo vệ chủ quyền và các lợi ích của nhân dân và đất nước; làm mọi việc trong thẩm quyền của mình vì sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Việc từ chối tuyên thệ sẽ được coi là từ bỏ nhiệm vụ Nghị sĩ.
4. Nghị sĩ sẽ không phải chịu trách nhiệm bên ngoài nghị viện về ý kiến chính thức đã nêu hoặc về việc bỏ phiếu của mình tại Nghị viện.
5. Không Nghị sĩ nào có thể bị bắt hoặc giam giữ mà không được sự đồng ý của với đa số 2/3 của các Nghị sĩ của Nghị Viện mà Nghị sĩ đó là thành viên, ngoại trừ trường hợp phạm tội quả tang.
Điều 39. Tính liêm chính và tránh xung đột lợi ích của Nghị sĩ
1. Nghị sĩ có nghĩa vụ duy trì chuẩn mực cao về liêm chính, phải ưu tiên lợi ích quốc gia và thực hiện các nhiệm vụ của mình phù hợp với lương tâm.
2. Nghị sĩ không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình, không được đòi hỏi các lợi ích về tài sản hay địa vị, hoặc giúp người khác thu lợi, thông qua thông đồng hay sự sắp xếp của nhà nước, các tổ chức công quyền hay các ngành công nghiệp.
3. Nghị sĩ phải khai báo tài sản của mình theo luật định.
4. Nghị sĩ, vợ hay chồng của Nghị sĩ, cũng như các doanh nghiệp do họ sở hữu hay chiếm quyền chi phối, không thể tham dự các cuộc đấu thầu hay ký hợp đồng với các cơ quan công quyền và các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu hay chiếm quyền chi phối.
Điều 40. Tổ chức Hạ viện
1. Mỗi Hạ nghị sĩ có một lá phiếu khi biểu quyết tại Hạ viện.
2. Mọi quyết định của Hạ viện được coi là được thông qua nếu được đa số phiếu, trừ các quyết định đặc biệt nêu trong Hiến pháp này đòi hỏi đa số 2/3 số phiếu.
3. Hạ viện bầu ra một Chủ tịch và một Phó Chủ tịch.
4. Nếu vì bất cứ lý do gì mà Chủ tịch Hạ viện bị khuyết, thì Phó Chủ tịch tạm thời làm quyền Chủ tịch cho đến khi Hạ viện bầu ra Chủ tịch mới trong vòng 60 ngày.
5. Hạ viện quyết định về tổ chức nội bộ của mình, có thể thể lập ra Văn phòng Hạ viện, các ủy ban thường trực hay lâm thời.
Điều 41. Tổ chức Thượng viện
1. Mỗi Thượng nghị sĩ có một lá phiếu khi biểu quyết tại Thượng Nghị Viện.
2. Mọi quyết định của Thượng viện sẽ coi là được thông qua nếu được đa số phiếu tán thành, trừ các quyết định đặc biệt nêu trong Hiến pháp này đòi hỏi đa số 2/3 số phiếu.
3. Thượng Nghị Viện bầu ra một Chủ tịch và một Phó Chủ tịch.
4. Nếu vì bất cứ lý do gì mà Chủ tịch Thượng Nghị Viện bị khuyết, thì Phó Chủ tịch tạm thời làm quyền Chủ tịch cho đến khi Thượng Nghị Viện bầu ra Chủ tịch mới trong vòng 60 ngày.
5. Thượng Nghị Viện quyết định về tổ chức nội bộ của mình, có thể thể lập ra Văn phòng Thượng viện, các ủy ban thường trực hay lâm thời.
Điều 42. Họp Hạ viện, Thượng viện và Quốc hội
1. Trừ trường hợp Hiến pháp hay luật quy định khác, cuộc họp của Hạ viện (hay Thượng viện) là hợp lệ nếu có mặt của đa số trong tổng số Hạ nghị sĩ (hay Thượng nghị sĩ), quyết định hợp lệ được thông qua với đa số phiếu hiện diện.
2. Họp Quốc hội là phiên họp chung của Hạ viện và Thượng viện do Chủ tịch Hạ viện chủ tọa hay Chủ tịch Thượng viện chủ tọa khi Chủ tịch Hạ viện vắng mặt. Quốc hội ban hành quy chế về thủ tục, thể thức họp Quốc hội. Các quyết định của Quốc hội là các quyết định được đưa ra tại các phiên họp chung này.
3. Các cuộc họp của Hạ viện, Thượng viện, Quốc hội được mở công khai cho công chúng, trừ khi đa số thành viên có mặt quyết định, hoặc khi Chủ tịch xét thấy cần thiết vì lợi ích an ninh quốc gia thì công chúng không thể tham dự.
4. Việc công bố công khai các thủ tục của kỳ họp kín sẽ được luật quy định.
5. Biên bản cuộc họp phải đầy đủ, chi tiết, ghi rõ ý kiến và số phiếu biểu quyết của từng Nghị sĩ. Có thể đồng thời ghi âm, ghi hình cuộc họp để lưu trữ. Mọi công dân đều có quyền tiếp cận biên bản của các cuộc họp mở công khai, theo thủ tục do luật định.
Điều 43. Quyền trình dự án luật
1. Các Nghị sĩ, cơ quan hành pháp có thể đệ trình dự án luật.
2. Một nhóm ít nhất 30.000 cử tri có quyền trình dự án luật. Thủ tục về việc này do luật quy định.
3. Dự án luật phải được nộp cho Văn phòng Hạ viện.
4. Người, hay nhóm công dân bảo trợ dự án luật, khi đệ trình dự án luật cho Hạ viện, có trách nhiệm giải trình rõ các hệ quả về tài chính của việc thực thi dự án luật.
5. Người, nhóm người hay cơ quan trình dự án luật có thể rút lại dự án luật trong quá trình thẩm định và xem xét thông qua.
Điều 44. Thẩm định, thảo luận, thông qua dự luật
1. Dự án luật, dự thảo luật đã được đệ trình lên Hạ viện được gọi chung là dự luật. Dự luật phải trải qua các khâu thẩm định theo quy định của luật.
2. Hạ viện thảo luận, xem xét dự luật và biểu quyết thông qua với đa số phiếu hiện diện hay bác bỏ. Trong mọi trường hợp nghị quyết thông qua hay bác bỏ, trong vòng 3 ngày dự luật cùng hồ sơ bác bỏ hay thông qua đều phải chuyển sang Văn phòng Thượng viện.
3. Nếu Hạ viện đã thông qua dự luật thì dự luật được Thượng viện xem xét và dự luật được Thượng viện thông qua nếu đạt đa số phiếu hiện diện chấp thuận. Trong trường hợp đó dự luật đã được Quốc hội (cả 2 viện) thông qua.
4. Nếu Thượng viện bác bỏ thì trong vòng 3 ngày dự luật phải được chuyển lại cho Hạ viện cùng với nghị quyết nêu rõ lý do bác bỏ. Hạ viện sẽ xem xét lại và nếu dự luật được Hạ viện thông qua lần nữa với đa số 2/3 của các Hạ nghị sĩ thì dự luật được coi là đã được Quốc hội thông qua, nếu không đạt đa số 2/3 thì vẫn phải chuyển qua Thượng viện xem xét.
5. Trong trường hợp đặc biệt, nếu xét thấy cần, Hạ viện có thể yêu cầu Thượng viện xem xét và biểu quyết trước một dự luật, sau đó Hạ viện mới xem xét và biểu quyết. Khi đó vai trò của mỗi Viện thay thế cho nhau trong quy trình nêu trên.
6. Thời gian xem xét và biểu quyết dự luật tại Thượng viện không được quá một nửa (1/2) thời gian xem xét và biểu quyết tại Hạ viện. Thời gian xem xét và biểu quyết dự luật tại Hạ viện không được quá hai lần thời gian xem xét và biểu quyết tại Thượng viện.
7. Dự án luật không thể bị loại bỏ vì không được thông qua trong kỳ họp mà nó được trình ra, ngoại trừ trong trường hợp nhiệm kỳ của các Nghị sĩ đã hết.
Điều 45. Dự luật trở thành luật
1. Dự luật đã được Quốc hội thông qua phải được gửi đến Tổng thống trong vòng 7 ngày.
2. Sau khi nhận được dự luật đã được Quốc hội thông qua, Tổng thống có thể chuyển dự luật cho Tòa án Hiến pháp để xét xem có phù hợp với Hiến pháp hay không. Trong trường hợp Tòa án Hiến Pháp xác minh dự luật phù hợp với Hiến pháp, nó trở thành luật. Trong trường hợp dự luật có các điều khoản cụ thể được Tòa án Hiến pháp cho là không hợp hiến và Tòa án Hiến pháp không xác định các điều khoản đó là không thể tách rời toàn bộ dự luật, thì Tổng Thống có thể loại bỏ các điều khoản được cho là vi hiến đó sau khi đã tham vấn ý kiến của Chủ tịch Hạ viện và dự luật trở thành luật với sự loại bỏ đó.
3. Trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được dự luật từ Quốc hội, nếu Tổng thống chấp thuận thì dự luật trở thành luật.
4. Nếu Tổng thống phản đối dự luật, thì trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được từ Quốc hội, Tổng thống phải gửi trả lại Quốc hội xem xét lại dự luật với giải thích bằng văn bản sự phản đối, nhưng không được yêu cầu Quốc hội xem xét lại từng phần của dự luật hay đưa ra đề xuất sửa đổi.
5. Nếu Tổng thống phản đối dự luật, nhưng quá thời hạn 15 ngày kể trên mà Tổng thống không trả lại dự luật cho Quốc hội, thì dự luật tự động trở thành luật.
6. Trong trường hợp Tổng thống trả dự luật lại cho Quốc hội, Quốc hội phải xem xét lại dự luật, sau đó: (a) sửa đổi theo trình tự thông thường, hoặc (b) thông qua văn bản gốc của dự luật với đa số 2/3 của các đại biểu có mặt, trường hợp này thì dự luật trở thành luật.
Điều 46. Công bố luật
1. Khi dự luật đã trở thành luật, Tổng thống phải công bố luật không chậm trễ.
2. Trong trường hợp dự luật tự động trở thành luật (theo Khoản 5 Điều 45) hay trở thành luật theo (b) Khoản 6 Điều 45, thì Tổng Thống cũng phải ký công bố không chậm trễ; nếu Tổng Thống vẫn không công bố thì Chủ tịch Hạ viện ký công bố và hành vi này của Tổng Thống có thể trở thành căn cứ cho việc luận tội vi phạm Hiến pháp.
3. Luật được công bố trên Công báo và có hiệu lực vào ngày do luật định hoặc 30 ngày sau ngày ký công bố nếu luật không định rõ ngày có hiệu lực.
Điều 47. Ngân sách
1. Không một khoản tiền nào từ ngân sách nhà nước được chi, cho dù Cơ quan Hành pháp có yêu cầu, nếu chưa được Quốc hội thông qua.
2. Hành pháp sẽ soạn thảo dự luật ngân sách cho mỗi năm tài chính và đệ trình Hạ viện ít nhất 90 ngày trước ngày khởi đầu của năm tài chính mới.
3. Quốc hội không tăng số tiền của bất kỳ khoản chi nào, không tạo ra bất kỳ mục chi mới nào trong dự luật ngân sách nếu không có sự đồng ý của Cơ quan Hành pháp.
4. Hạ viện quyết định về dự luật ngân sách trong vòng 45 ngày kể từ ngày dự luật ngân sách được đệ trình và chuyển cho Thượng viện.
5. Thượng viện quyết định về dự luật ngân sách đã được Hạ viện chuyển qua trong vòng 20 ngày.
6. Nếu dự luật ngân sách không được thông qua trước khi bắt đầu năm tài chính mới, Cơ quan Hành pháp có thể giải ngân, theo cách phù hợp với ngân sách của năm tài chính trước, cho các mục đích sau đây cho đến khi dự luật ngân sách được Quốc hội thông qua: (a) cho việc duy trì hoạt động của các cơ quan được thành lập theo Hiến pháp hay luật; (b) cho việc thực hiện các khoản chi bắt buộc theo quy định của pháp luật; và (c) cho việc tiếp tục các dự án trước đó đã được phê duyệt trong ngân sách.
7. Hạ viện và Thượng viện có thể có phiên họp chung để xem xét và quyết định về ngân sách khi thấy cần thiết.
Điều 48. Kiểm toán thu chi ngân sách
Báo cáo tài chính cuối cùng về thu chi ngân sách quốc gia sẽ được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hàng năm và trình cho Quốc hội.
Điều 49. Thuế
Các loại và mức thuế được xác định bằng luật.
Điều 50. Nợ
Mọi kế hoạch của Cơ quan Hành pháp về phát hành trái phiếu quốc gia và ký kết hợp đồng mà có thể phát sinh nghĩa vụ tài chính ngoài ngân sách của Nhà nước đều phải được Hạ viện phê chuẩn.
Điều 51. Chất vấn
1. Hạ nghị sĩ có quyền chất vấn các Bộ trưởng bằng văn bản hoặc bằng các câu hỏi trực tiếp tại các phiên họp của Hạ viện.
2. Chất vấn bằng văn bản phải được trả lời bằng văn bản trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhận được chất vấn.
3. Các Bộ trưởng có trách nhiệm trả lời các câu hỏi được nêu ra trong mỗi phiên họp của Hạ viện.
Điều 52. Điều trần
1. Để phục vụ cho hoạt động lập pháp, các ủy ban của Hạ viện và Thượng viện có thể tổ chức các cuộc điều trần để nghe những người có liên quan giải thích, làm rõ những vấn đề nhất định nhằm tạo cơ sở cho các quyết định lập pháp và giám sát của Quốc hội.
2. Những người được mời điều trần trước các ủy ban có thể là các Nghị sĩ, các quan chức chính phủ, lãnh đạo các tổ chức dân sự, công đoàn, các doanh nhân, chuyên gia, học giả, nhà khoa học…
3. Để chọn ra các quan chức có chất lượng, tất cả các ứng viên tiềm năng vào các chức Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch hay lãnh đạo của các cơ quan hiến định đều phải điều trần trước khi được bổ nhiệm và phê chuẩn.
4. Thủ tục mời và tiến hành điều trần do luật định.
5. Biên bản các cuộc điều trần được công bố công khai, trừ các cuộc điều trần liên quan đến an ninh quốc gia, và được lưu trữ theo luật định.
Điều 53. Trưng cầu dân ý toàn quốc
1. Cuộc trưng cầu dân ý cấp quốc gia có thể được tổ chức về những vấn đề đặc biệt quan trọng đối với nhân dân và quốc gia.
2. Hạ viện có thể quyết định tổ chức trưng cầu dân ý cấp quốc gia. Tổng thống với sự chấp thuận của Thượng viện có quyền quyết định tổ chức trưng cầu dân ý cấp quốc gia. Khi có yêu cầu của trên 500 ngàn cử tri thì phải tổ chức trưng cầu dân ý.
3. Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý cấp quốc gia có tính bắt buộc nếu có hơn ½ số người có quyền bầu cử tham gia cuộc trưng cầu dân ý.
4. Các nguyên tắc và thủ tục tổ chức cuộc trưng cầu dân ý do luật định.
Điều 54. Giám sát, điều tra và bãi nhiệm
1. Hạ viện có thể giám sát công việc của nhà nước hoặc điều tra những vấn đề cụ thể của công vụ nhà nước, có quyền yêu cầu đệ trình các tài liệu trực tiếp liên quan đến các vấn đề đó, yêu cầu nhân chứng cung cấp lời khai hoặc báo cáo.
2. Dựa trên kết quả giám sát, điều tra, chất vấn và điều trần, Quốc hội có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Bộ trưởng.
3. Các thủ tục và các vấn đề liên quan đến giám sát và điều tra hành chính nhà nước được luật quy định.
Điều 55. Phế truất Tổng thống
1. Quyết định truy tố Tổng thống về việc vi phạm Hiến pháp hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng phải được Hạ viện thông qua bằng nghị quyết với ít nhất đa số 2/3 tổng số thành viên Hạ viện, trên cơ sở đề nghị của ít nhất 60 Hạ nghị sĩ.
2. Quyết định truy tố Tổng thống được xét xử bởi Thượng viện.
3. Từ ngày có quyết định truy tố, Tổng thống bị tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện tạm thời đảm nhiệm chức vụ quyền Tổng thống. Nếu Thượng viện phán quyết Tổng thống vô tội thì việc tạm đình chỉ nhiệm vụ Tổng thống chấm dứt. Nếu Thượng viện phán quyết Tổng thống có tội thì Tổng thống bị phế truất.
Điều 56. Phê chuẩn điều ước quốc tế
1. Quốc hội có quyền đồng ý ký kết và phê chuẩn các điều ước quốc tế liên quan đến an ninh; các điều ước quốc tế liên quan đến các tổ chức quốc tế quan trọng; các điều ước hữu nghị, thương mại và hàng hải; các điều ước quốc tế liên quan đến bất kỳ hạn chế nào về chủ quyền; các điều ước hòa bình; các điều ước quốc tế phát sinh nghĩa vụ tài chính quan trọng đối với Nhà nước hoặc nhân dân; và các điều ước quốc tế liên quan đến lập pháp.
2. Đại diện có thẩm quyền và được ủy quyền để ký các điều ước quốc tế chỉ được ký điều ước sau khi đã được sự đồng ý của Quốc hội.
3. Sau khi được Quốc hội phê chuẩn, Tổng thống ký công bố điều ước quốc tế và điều ước có hiệu lực.
Điều 57. Tuyên bố tình trạng chiến tranh
1. Quốc hội có quyền nhân danh Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố tình trạng chiến tranh và ký kết hiệp ước hòa bình.
2. Quốc hội chỉ có thể thông qua nghị quyết về tình trạng chiến tranh trong trường hợp có sự xâm lược quân sự đối với lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thời gian Quốc hội không họp, Tổng thống có thể tuyên bố tình trạng chiến tranh.
CHƯƠNG IV. HÀNH PHÁP
Điều 58. Quyền hành pháp
1. Quyền hành pháp được nhân dân ủy quyền cho Tổng thống.
2. Tổng thống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nguyên thủ quốc gia và bảo đảm cho sự liên tục của cơ quan nhà nước.
3. Tổng thống có trách nhiệm bảo đảm việc tuân thủ Hiến pháp, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia cũng như sự bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
4. Tổng thống thực hiện nhiệm vụ của mình trong phạm vi và theo các nguyên tắc do Hiến pháp và luật quy định.
Điều 59. Bầu Tổng thống và Phó Tổng thống
1. Tổng thống và Phó Tổng thống cùng đứng chung một liên danh, do cử tri bầu ra trong cuộc bầu cử phổ thông, bình đẳng và trực tiếp bằng phiếu kín.
2. Công dân Việt Nam đủ 35 tuổi, tính đến ngày bầu cử, và có quyền bầu cử Quốc hội, có thể là ứng cử viên Tổng thống và ứng cử viên Phó Tổng thống. Ứng cử viên Tổng thống và ứng cử viên Phó Tổng thống, với tư cách một liên danh chung, phải có được chữ ký ủng hộ của ít nhất 100 ngàn công dân có quyền bầu cử Quốc hội.
3. Liên danh nhận được hơn 1/2 tổng số phiếu bầu hợp lệ sẽ trúng cử chức vụ Tổng thống và Phó Tổng thống.
4. Nếu không liên danh nào nhận được đa số phiếu, thì sẽ tổ chức lại việc bỏ phiếu giữa 2 liên danh đạt số phiếu cao nhất vào ngày thứ 14 sau ngày bỏ phiếu lần thứ nhất.
5. Nếu một trong hai liên danh tham gia vòng bầu thứ hai đồng ý rút khỏi danh sách, một trong hai người trong liên danh mất quyền bầu cử hoặc chết, thì liên danh đạt phiếu cao kế tiếp trong lần bầu thứ nhất sẽ thay thế liên danh đó. Trong trường hợp này, ngày bỏ phiếu sẽ được gia hạn thêm 14 ngày.
6. Liên danh nhận được số phiếu bầu cao hơn trong lần bỏ phiếu lần thứ hai sẽ là những người được bầu làm Tổng thống và Phó Tổng thống.
7. Các nguyên tắc và thủ tục đề cử ứng cử viên Tổng thống, Phó Tổng thống cách thức tiến hành bầu cử cũng như những yêu cầu về tính hợp lệ của cuộc bầu cử Tổng thống sẽ do luật quy định.
8. Chủ Tịch Hạ viện ra quyết định tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống không trước 120 ngày và không sau 100 ngày tính đến ngày hết nhiệm kỳ Tổng thống; trong trường hợp khuyết Tổng thống, không muộn hơn 14 ngày kể từ thời điểm bị khuyết. Quyết định tổ chức bầu cử phải quy định rõ ngày bầu cử sẽ là một ngày nghỉ trong khoảng thời gian giữa 60 đến 67 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Điều 60. Tuyên thệ nhậm chức và nhiệm kỳ Tổng thống
1. Tại lễ nhậm chức trước Quốc hội, Tổng thống sẽ tuyên thệ như sau: “Tôi trịnh trọng tuyên thệ trước nhân dân rằng sẽ trung thành thực thi các nghĩa vụ của Tổng thống bằng việc tuân thủ Hiến pháp, bảo vệ quốc gia, thúc đẩy tự do và thịnh vượng của nhân dân, nỗ lực bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc”.
2. Tổng thống và Phó Tổng thống có nhiệm kỳ 5 năm tính từ ngày nhậm chức. Một người không thể làm Tổng thống quá hai nhiệm kỳ.
Điều 61. Tổng thống chấm dứt nhiệm vụ trước thời hạn
1. Nhiệm vụ của Tổng thống có thể chấm dứt trước kỳ hạn trong những trường hợp sau: (a) Tổng thống chết; (b) Tổng thống từ chức; (c) Tổng thống bị truất quyền; và (d) do bị bệnh tật trầm trọng và kéo dài, Tổng thống không còn năng lực để làm tròn nhiệm vụ. Sự mất năng lực, trong trường hợp (d), phải được Quốc hội xác nhận với đa số 3/4 tổng số Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ, sau các cuộc giám định y khoa.
2. Trong trường hợp Tổng thống chấm dứt nhiệm vụ, Phó Tổng thống sẽ đảm nhận chức Tổng thống trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
3. Trong trường hợp khuyết Phó Tổng thống, Thượng viện bầu Phó Tổng thống mới theo đề nghị của Tổng thống.
4. Trường hợp đồng thời khuyết cả Tổng thống và Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện tạm thời làm quyền Tổng thống cho đến khi Quốc hội bầu ra Tổng thống và Phó Tổng thống mới, theo phương thức đa số, cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
Điều 62. Thẩm quyền của Tổng thống
Tổng thống có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Hoạch định chính sách quốc gia;
2. Ký ban hành các đạo luật;
3. Ký các điều ước quốc tế, sau khi được Quốc hội phê chuẩn ký ban hành các điều ước quốc tế;
4. Bổ nhiệm các đại sứ với sự phê chuẩn của Thượng viện;
5. Tiếp nhận quốc thư, đón nhận các phái đoàn ngoại giao;
6. Tổ chức các cơ quan hành pháp theo quy định của luật;
7. Chỉ đạo hoạt động của các cơ quan hành pháp;
8. Bổ nhiệm các Bộ trưởng với sự chấp thuận của Quốc hội;
9. Bãi nhiệm các Bộ Trưởng;
10. Tổ chức các Hội đồng tư vấn;
11. Quyết định các vấn đề được luật quy định về đặc xá, giảm án, phục hồi các quyền và đại xá;
12. Trao các tước vị và danh hiệu theo các điều kiện luật định;
13. Trao quốc tịch Việt Nam;
14. Các quyền khác theo luật định.
Điều 63. Thống lĩnh tối cao các lực lượng vũ trang
1. Tổng thống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Thống lĩnh tối cao của các lực lượng vũ trang Việt Nam.
2. Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng thống phong cấp bậc quân hàm quân đội theo quy định của luật.
3. Thẩm quyền của Tổng thống về quyền thống lĩnh tối cao đối với các lực lượng vũ trang sẽ được quy định cụ thể trong luật.
Điều 64. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ
1. Thủ tướng và các Bộ trưởng là các thành viên Chính phủ, được Tổng thống bổ nhiệm và Quốc hội phê chuẩn.
2. Thủ tướng có trách nhiệm hỗ trợ Tổng thống và điều hành các Bộ theo chỉ đạo của Tổng thống.
3. Không ai trong quân đội có thể được bổ nhiệm làm Thủ tướng trừ khi đã giải nhiệm.
4. Cơ quan công tố thuộc Bộ Tư pháp.
CHƯƠNG V. TƯ PHÁP
Điều 65. Hoạt động tư pháp
1. Quyền lực tư pháp được trao cho các tòa án, gồm các thẩm phán có trình độ chuyên môn theo luật định.
2. Các tòa án gồm: Tòa án Tối cao, tòa án các cấp khác và Tòa án Hiến pháp.
Điều 66. Tổ chức Tòa án Tối cao
1. Trong Tòa án Tối cao có Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao.
2. Trong Tòa án Tối cao có thể thành lập các tòa chuyên trách.
3. Việc tổ chức Tòa án Tối cao, các tòa án chuyên trách và các tòa án khác theo luật định.
Điều 67. Thẩm phán Toà án Tối cao
1. Chánh án Tòa án tối cao do Tổng thống bổ nhiệm với sự đồng ý của Quốc hội.
2. Các Thẩm phán Tòa án Tối cao do Tổng thống bổ nhiệm theo đề xuất của Chánh án Tòa án Tối cao và với sự đồng ý của Quốc hội.
3. Các thẩm phán khác do Chánh án Tòa án Tối cao bổ nhiệm với sự đồng ý của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao.
Điều 68. Nhiệm kỳ thẩm phán Toà án Tối cao
1. Nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án Tối cao là 6 năm và không thể được tái bổ nhiệm.
2. Nhiệm kỳ của thẩm phán của Tòa án Tối cao là 6 năm và họ có thể được tái bổ nhiệm theo quy định của luật.
3. Nhiệm kỳ của các thẩm phán ngoài Chánh án và Thẩm phán của Tòa án Tối cao là 10 năm, họ có thể được tái bổ nhiệm theo các điều kiện luật định.
4. Tuổi về hưu của các thẩm phán được luật quy định.
Điều 69. Tòa án Hiến pháp
Tòa án Hiến pháp có thẩm quyền xét xử đối với các vấn đề sau đây:
1. Sự phù hợp của luật và điều ước quốc tế với Hiến pháp;
2. Sự phù hợp của các văn bản pháp luật do các cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành với Hiến pháp;
3. Sự phù hợp của mục tiêu, hoạt động của các đảng chính trị với Hiến pháp;
4. Tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước, giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương với chính quyền địa phương và giữa các chính quyền địa phương;
5. Khiếu nại của những người cho rằng các quyền hiến định của họ đã bị xâm phạm bởi một đạo luật hay văn bản pháp luật khác trái với Hiến pháp.
Điều 70. Tổ chức Tòa án Hiến pháp
1. Tòa án Hiến pháp gồm 15 thẩm phán được Quốc hội bầu chọn trong số những người có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật. Thẩm phán Tòa án Hiến pháp có nhiệm kỳ 9 năm và không thể được bầu chọn nhiều hơn một nhiệm kỳ.
2. Chánh án và Phó Chánh án Tòa án Hiến pháp do Tổng thống bổ nhiệm trong số các ứng cử viên do Hội đồng thẩm phán Tòa án Hiến pháp giới thiệu.
3. Tổ chức và hoạt động của Tòa án Hiến pháp được quy định trong một đạo luật.
Điều 71. Nguyên tắc độc lập
Thẩm phán các tòa án phải xét xử độc lập theo lương tâm, chỉ tuân theo Hiến pháp và pháp luật. Thẩm phán không được tham gia các đảng chính trị.
CHƯƠNG VI. CÁC CƠ QUAN HIẾN ĐỊNH ĐỘC LẬP
Điều 72. Các cơ quan hiến định độc lập
Các cơ quan hiến định độc lập, không phải là các cơ quan lập pháp, hành pháp hay tư pháp, bao gồm Ngân hàng Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Uỷ ban Bầu cử, Ủy ban Nhân quyền và Hội đồng Hòa giải Dân tộc.
Điều 73. Ngân hàng Trung ương
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ngân hàng Trung ương của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
2. Tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được quy định bởi một đạo luật.
Điều 74. Kiểm toán Nhà nước
1. Kiểm toán Nhà nước hoạt động theo các nguyên tắc nghề nghiệp.
2. Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các pháp nhân và tổ chức nhà nước về tính hợp pháp, tính kinh tế, hiệu quả và sự mẫn cán.
3. Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Hạ viện và có trách nhiệm trình Hạ viện: các báo cáo phân tích việc thực hiện ngân sách và các mục tiêu của chính sách tiền tệ; ý kiến liên quan đến việc chấp thuận quyết toán ngân sách; thông tin về kết quả kiểm toán, kết luận kiểm toán và kiến nghị theo quy định của luật.
4. Chủ tịch Kiểm toán Nhà nước không được tham gia đảng chính trị hay bất cứ hoạt động công vụ nào khác không phù hợp với chức trách của mình.
5. Tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước được quy định bằng một đạo luật.
Điều 75. Ủy Ban Bầu cử
1. Các Ủy ban Bầu cử được thiết lập với mục đích điều hành công bằng các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý toàn quốc, xử lý các vấn đề hành chính liên quan đến các chính đảng.
2. Ủy ban Bầu cử Trung ương gồm 3 thành viên do Tổng thống bổ nhiệm, 3 thành viên do Quốc hội lựa chọn và 3 thành viên do Chánh án Tòa án Tối cao lựa chọn. Các thành viên của Ủy ban thành viên bầu ra một Chủ tịch.
3. Nhiệm kỳ của thành viên Ủy ban là 6 năm.
4. Các thành viên Ủy ban không thể tham gia các đảng chính trị hoặc các hoạt động chính trị.
5. Các chiến dịch tranh cử được thực hiện dưới sự điều hành của Ủy ban Bầu cử mỗi cấp trong phạm vi luật định với nguyên tắc bảo đảm cơ hội bình đẳng cho các ứng cử viên.
6. Tổ chức, chức năng và các vấn đề quan trọng khác của Ủy ban Bầu cử Trung ương và Ủy ban Bầu cử các cấp sẽ do luật quy định.
Điều 76. Ủy ban Nhân quyền
1. Ủy ban Nhân quyền là một cơ quan độc lập, có vai trò thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người được ghi nhận tại Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế 1948 và trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ủy ban Nhân quyền do Hạ viện thành lập với sự đồng thuận của Thượng viện, gồm 9 thành viên, có sự tham gia của đại diện nhiều thành phần xã hội.
2. Ủy ban Nhân quyền có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a. Giáo dục và nâng cao nhận thức của công chúng, công chức và viên chức về quyền con người;
b. Tư vấn cho các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội về các vấn đề liên quan đến quyền con người;
c. Nghiên cứu, đề xuất việc gia nhập các điều ước quốc tế về quyền con người;
d. Nhận các khiếu nại về các vi phạm các quyền được quy định tại tại Hiến pháp này hoặc các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
3. Thành viên Ủy ban Nhân quyền không giữ bất kỳ chức vụ nào khác, trừ chức vụ giảng viên đại học, cũng không thực hiện bất kỳ hoạt động nghề nghiệp nào khác. Các thành viên cũng không được tham gia đảng chính trị nào, không thực hiện các nhiệm vụ công không phù hợp với chức trách của mình.
4. Phương thức tổ chức và hoạt động của Ủy ban Nhân quyền sẽ được quy định bởi một đạo luật.
Điều 77. Hội đồng Hòa giải Dân tộc
1. Hội đồng Hòa giải Dân tộc thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc, xóa bỏ thù hận, hướng đến việc khắc phục các sai lầm trong quá khứ, nhằm mang lại công bằng, đoàn kết dân tộc, phát huy các năng lực của người Việt Nam trên toàn thế giới.
2. Hội đồng Hòa giải Dân tộc gồm 19 thành viên do Hạ viện bổ nhiệm với sự đồng thuận của Thượng viện. Năm (5) thành viên đến từ mỗi khu vực miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam và bốn (4) thành viên thuộc cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
3. Hội đồng Hòa giải Dân tộc có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a. Nghiên cứu, xác định lại giá trị pháp lý của các luật, điều ước quốc tế đã được các chính quyền Việt Nam trong quá khứ ban hành, ký kết trái thẩm quyền hoặc gây hại nghiêm trọng cho quốc dân. Đề xuất với Quốc hội các giải pháp khắc phục các sai lầm quá khứ.
b. Tập hợp thông tin, đề nghị trả tự do, tổ chức việc đối thoại, xin lỗi, bồi thường cho những người đã từng bị xử phạt, điều tra, truy tố, xét xử oan, chỉ vì lý do họ đã có những hành động nhằm thúc đẩy dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội, nhằm bảo vệ các quyền con người, hoặc chỉ để thực thi các quyền tự do của mình.
c. Nghiên cứu, trình Quốc hội các chính sách, dự án luật có thể khắc phục những sai lầm khác của các chế độ trong quá khứ nhằm hòa giải và hòa hợp dân tộc.
4. Hội đồng Hòa giải Dân tộc sẽ được Hạ viện giải tán sau khi đã hoàn tất nhiệm vụ.
CHƯƠNG VII. TỰ QUẢN ĐỊA PHƯƠNG
Điều 78. Chính quyền địa phương
1. Chính quyền địa phương thực hiện các công vụ địa phương, tức là các công vụ không được quy định trong Hiến pháp và trong các đạo luật về các cơ quan khác của Nhà nước. Các công vụ địa phương do nhân dân của địa phương đó tự đề ra. Chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề hành chính liên quan đến an sinh của dân cư địa phương, quản lý tài sản và có thể đề ra các quy định liên quan đến tự chủ địa phương trong phạm vi luật định.
2. Chính quyền địa phương ở mỗi cấp có thể có một hội đồng và bộ máy hành chính nhà nước cấp địa phương.
3. Hội đồng địa phương do dân địa phương bầu và có quyền quy định về các công vụ địa phương.
4. Trong địa phương mình, bộ máy hành chính thực thi các công vụ được quy định trong Hiến pháp, luật và các công vụ địa phương. Người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương do nhân dân địa phương đó trực tiếp bầu ra.
5. Xã là đơn vị cơ sở của chính quyền địa phương, nơi dân chủ trực tiếp được thực hiện ở mức cao nhất trong các cấp chính quyền.
6. Chính quyền đô thị được luật quy định.
7. Các loại chính quyền địa phương do luật định.
Điều 79. Tổ chức Chính quyền địa phương
Việc tổ chức và thẩm quyền của chính quyền địa phương, thủ tục bầu các thành viên hội đồng (nếu có) và người đứng đầu chính quyền địa phương và các vấn đề khác liên quan đến hoạt động của chính quyền địa phương sẽ do luật định theo nguyên tắc chính quyền cấp càng thấp thì việc áp dụng dân chủ trực tiếp càng cao.
CHƯƠNG VIII. SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
Điều 80. Thủ tục sửa đổi Hiến pháp
1. Một dự luật sửa đổi Hiến pháp có thể được trình bởi các chủ thể sau: ít nhất 1/5 số Hạ nghị sĩ theo luật định, Thượng nghị viện, hoặc Tổng thống.
2. Nếu Tổng thống trình dự luật sửa đổi Hiến pháp thì dự luật không được thay đổi các điều khoản liên quan đến Tổng thống trong Hiến pháp hiện hành.
3. Việc sửa đổi Hiến pháp phải được thực hiện bởi một đạo luật được Hạ viện thông qua và sau đó được Thượng viện thông qua với cùng nội dung trong thời hạn 60 ngày.
4. Dự luật sửa đổi Hiến pháp được Hạ viện thông qua nếu được ít nhất 2/3 số phiếu có mặt của ít nhất 2/3 tổng số Hạ nghị sĩ theo luật định; Dự luật sửa đổi Hiến pháp được Thượng Nghị Viện thông qua nếu được ít nhất 2/3 số phiếu có mặt của ít nhất 2/3 tổng số Thượng nghị sĩ theo luật định.
5. Trong vòng 60 ngày kể từ khi Dự luật sửa đổi Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua phải tổ chức trưng cầu dân ý để nhân dân phúc quyết.
CHƯƠNG IX. ĐIỀU KHOẢN CHUYỂN ĐỔI
Điều 81. Hiệu lực Hiến pháp và quy định chuyển đổi
1. Hiến pháp này có hiệu lực sau 100 ngày kể từ ngày được nhân dân phúc quyết thông qua.
2. Trong vòng 100 ngày sau khi Hiến pháp có hiệu lực, Quốc hội hiện hành (đã thông qua Hiến pháp) phải căn cứ vào đó ban hành các luật mới về bầu cử Quốc hội và bầu cử Tổng thống. Các cuộc bầu cử Hạ viện, Thượng viện và Tổng thống đầu tiên được tổ chức theo quy định của các luật đó trong vòng 180 ngày từ khi luật có hiệu lực.
3. Chính phủ, trong vòng 2 năm sau khi Hiến pháp này có hiệu lực, phải rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật hiện hành, đệ trình để Quốc hội sửa đổi các quy định trái với Hiến pháp và ban hành các luật mới nhằm thực thi Hiến pháp.
4. Trong vòng 2 năm sau khi Hiến pháp này có hiệu lực, pháp luật đang có hiệu lực vào thời điểm Hiến pháp được Quốc hội thông qua vẫn còn giá trị. Sau thời hạn 2 năm này, tất cả các quy định trái với Hiến pháp này đều trở nên vô hiệu, các quy định khác vẫn còn giá trị.