Friday 28 September 2012


    Khi sự dữ thắng thế, vẫn có đó niềm hy vọng

Khi sự dữ thắng thế, vẫn có đó niềm hy vọng
Không hề có một chút manh động bạo lực nào. Họ bình tâm đón nhận mọi sự xảy đến cho mình, dù đó là điều rất bất lợi, ngược với ước ao khao khát và ngược cả với sự thật và công lý. Họ cũng chẳng tuyệt vọng trước sự dữ bất công diễn ra trong “thứ pháp đình Cộng sản” này.

Bản án khủng khiếp của “thứ công lý pháp đình Cộng sản” hôm 24/9/2012 vừa qua tại Sài gòn dành cho ba Bloggers là Nguyễn văn Hải (Điếu cày), chị Tạ phong Tần, và Phan thanh Hải (anhbasaigon), như miếng đòn thù đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Nhà cầm quyền, sau khi đặt các trang mạng thông tin “lề trái” như Dân làm báo, Quan làm báo, Biển đông… ra ngoài vòng pháp luật, nghĩa là sẽ đưa vào vòng lao lý, thứ  “công lý pháp đình Cộng sản”.  Sự trả thù hèn hạ và tàn độc này làm cho thế giới những người yêu chân lý và hòa bình phải sững sờ kinh ngạc, chứ không riêng gì giới báo chí truyền thông, bảo vệ tự do và nhân quyền. Một sự khẳng định mạnh mẽ về thứ “độc lập, tự do và hạnh phúc” phi dân chủ, mất nhân tính và coi thường công pháp quốc tế giáng xuống giới bloggers bất đồng chính kiến, nói rõ hơn là những người dám bày tỏ lòng yêu nước, yêu dân tộc mà nhất quyết không chịu yêu cái “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Và hôm nay, với “kịch bản” quen thuộc và “trò hề xét xử” được triển khai, một đòn nữa giáng xuống những con người yêu nước, nhưng lần này là ba thanh niên Công giáo, cũng được Nhà nước tuyên truyền rằng sẽ xét xử công khai, mà quả là “công khai” giữa ban ngày thật, nhưng không có người dân nào được tham dự. Tất cả bị chặn từ xa, chặn ở ngoài trong những cái nhìn hằn học, trong sự hung bạo, đánh đập, bắt bớ bởi mọi công cụ “trấn áp” mà Nhà cầm quyền có trong tay.
Video nhân dân đến phiên tòa phúc thẩm 3 sinh viên công giáo ngày 26/9/2012:


Điều làm cho mọi người đau lòng là mong đợi Nhà nước Cộng sản, ít ra là biết hối lỗi (một từ không hề có trong hành động của đảng!) hoặc sửa sai (tiếc rằng thời đó qua lâu rồi), nhưng ngay cả “những tấm lòng thành” ấy cũng không được thỏa nguyện. Trong những ngày qua, nhiều Giáo xứ trong các Giáo phận, các nhà nguyện, đền thánh hay tại tư gia, chỗ trọ, những người Công giáo thắp lên ngọn nến hy vọng cho công lý được công nhận, cho sự thật được sáng tỏ, cho nhân phẩm được tôn trọng, cho nỗi oan ức được thay thế bởi sự thứ tha. Những ngọn nến chứa chất niềm hy vọng ấy làm rực sáng bao ánh mắt đợi chờ, bao khuôn mặt khắc khoải của những người thân yêu. Nhưng phũ phàng thay, như phiên tòa trước đó xử ba nhà báo tự do và những phiên tòa khác nữa, những phiên tòa của thứ “pháp đình Cộng sản” tàn nhẫn, bất lương và bất công, bất nhân và vô tâm vùi dập những hy vọng, hy vọng mong manh như vuột khỏi tầm tay và lời nguyện xin… như tình cảnh của Đức Giêsu trước lúc bị nộp trong tay người đời, sau khi cầu xin Chúa Cha cho khỏi uống chén đắng, thì Người đã phải uống đến giọt cuối cùng! (Mc 14,36) và trên thánh giá trong đau đớn cực độ, Người đã kêu lên: “Sao Ngài bỏ rơi con” (Mc 15,34). Đó có phải là sự tuyệt vọng, mất tin tưởng vào Thiên Chúa?. Không, vì liền ngay sau đó, trước khi tắt thở, Người nói: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).
Liệu sự thất vọng của những người bị kết án oan sai này có biến họ và thân nhân của họ thành nỗi chua xót đắng cay?, để rồi trở nên những người uất hận, thù oán tất cả, muốn “sòng phẳng” đối với chế độ này, cay nghiệt, đày đọa với bản thân và mất lòng tin vào sự tất thắng của chân lý và cả với Thiên Chúa nữa?. Không! Một tiếng rất khí khái và mạnh mẽ, tràn đầy niềm tin và hy vọng Kitô giáo, theo tin BBC về vụ án xử ngày 26/9/2012 thì: Em gái của bị cáo Đậu Văn Dương, bà Đậu Thị Thủy, cho BBC biết gia đình mừng vì người thân đã can đảm, giữ vững ý chí. “Gia đình không buồn, không gì hết vì cũng đã xác định trước sự việc rồi, xử sơ thẩm hay phúc thẩm cũng không thay đổi được bản án,” bà Thủy nói. Bà cũng nói thêm: “Đợt xử này có rất nhiều người ủng hộ và có thể cảm thấy các bị cáo thể hiện rõ việc họ không khuất phục trước khó khăn.” Kết thúc bài viết, BBC cho biết, theo lời bà Thủy: Bà cũng nói thêm những gì được đọc ra tại tòa về việc làm của các bị cáo không đúng với những việc họ đã làm và mặc dù các bị cáo xin giải thích nhưng tòa không chấp nhận. “Cho nên với cách làm này thì dù có phúc thẩm bao nhiêu thì cũng chẳng đi đến đâu nên gia đình sẽ không làm gì nữa”.

Giáo dân bên ngoài tòa, dưới trời mưa
Không hề có một chút manh động bạo lực nào. Họ bình tâm đón nhận mọi sự xảy đến cho mình, dù đó là điều rất bất lợi, ngược với ước ao khao khát và ngược cả với sự thật và công lý. Họ cũng chẳng tuyệt vọng trước sự dữ bất công diễn ra trong “thứ pháp đình Cộng sản” này.

Đậu thị Thủy và Trần Hoài Tô, hai em gái của Đậu Văn Dương và Trần Hữu Đức sau phiên xử phúc thẩm.
Dù đó là phán quyết sau cùng của tòa án Cộng sản, dù các gia đình thấy rằng việc tiếp tục kháng cáo là chuyện chẳng đi đến đâu, điều này cho thấy họ chẳng còn tin vào thứ công lý của chế độ Cộng sản, chẳng còn tranh chấp “theo tính xác thịt” con người, lại càng không là thái độ cam chịu như số phận đã định. Họ chấp nhận thất bại, nỗi bất hạnh này, nhưng không vì thế mà niềm hy vọng vụt tắt. Họ vẫn còn có thế làm việc gì đó có ý nghĩa trong hoàn cảnh này. Họ chưa hề nghi ngờ việc Thiên Chúa không ở bên và không binh vực sự trong sáng của họ. Nhất là họ kiên vững trong đức tin rằng, Thiên Chúa cho phép sự dữ xảy ra, nhưng Người không phải là nguồn gốc của sự dữ. Họ vẫn tin rằng thất bại này không phải là cuối cùng, còn có đó, niềm hy vọng vào sự công minh và sự bênh vực che chở của Chúa. Trải qua bao gian nan như thế, những đau khổ của họ cũng chỉ có thế. Họ đã mang gánh nặng nề đó đến với Chúa và Người đã bổ sức cho. Họ đã học nơi Chúa nhân lành trong gánh nặng nề này bằng thái độ “khiêm nhường và hiền lành” theo gương Chúa, qua đó họ kinh nghiệm rằng tâm hồn họ sẽ được “nghỉ ngơi bồi dưỡng, vì ách Người êm ái, gánh Người nhẹ nhàng” (Mt 11,29-30).
Những lời của cô Đậu thị Thủy thật thâm thúy, vì cô nói thay cho tâm trạng của những người trong cuộc về đức tin và niềm hy vọng Kitô giáo của mình. Họ sẽ biến những đau thương thất bại này thành một khởi đầu mới, không có thái độ hận đời nhưng biết vận dụng sức mạnh của đức tin để biến các hoàn cảnh tiêu cực thành tích cực. Họ không coi sự việc xảy ra là ý Thiên Chúa, vì như thế là xúc phạm đến Thiên Chúa từ nhân và gán cho Người những việc xấu xa của ma quỷ. Đó là thứ vinh quang của những người chiến thắng được tính thấp hèn của bản thân, của hoàn cảnh bế tắc, nguyện theo sát Chúa Cứu Thế chịu thương khó trong tinh thần của Người, để hướng một ngày mai xán lạn sự phục sinh.
Những tù nhân của “thứ công lý pháp đình Cộng sản” trở lại trại giam, mảnh đất cuối cùng của “sự tự do trong tâm hồn” của họ mà không một xích xiềng của bất cứ chế độ nào có thể cầm giữ họ được. Những thân nhân, bạn hữu của họ trở về nhà không phải trong tư thế của những kẻ thua cuộc nhục nhã, nhưng như những “chiến sĩ của đức tin” oai hùng kiên trung với những ngọn nến lung linh hòa quyện cùng những lời cầu nguyện tha thiết, sẽ trở nên “thứ vũ khí của niềm hy vọng” chống bạo tàn, bất công như lời dạy của Thánh Phaolô: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối mà cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” (Rm 13,12). Đó là một khởi điểm mới cho họ, khi trải nghiệm rằng việc chấp nhận chịu đau khổ, chấp nhận bản án bất công như những lao nhọc nhất thời của người nông dân đang ươm những hạt mầm tự do, sự thật và công lý ngày nào đó sẽ lớn lên và trổ sinh hoa trái dồi dào. Họ “soi sáng” cho Nhà cầm quyền ác với dân, hèn nhát trước ngoại bang cách thức tối ưu mà chế độ này đang tìm kiếm một cách tuyệt vọng để sống còn.
Trở về với cuộc sống, dù trong những trại giam nhỏ hoặc trong một trại tập trung lớn, thì họ vẫn cất lên tiếng “hát” như nhạc sĩ Nguyễn đức Quang: “hy vọng đã vươn lên trong màn đêm bao ưu phiền. Hy vọng đã vươn lên trong trong lo sợ mùa chinh chiến. Hy vọng đã vươn lên trong nhục nhằn tràn nước mắt. Hy vọng đã vươn dậy, như làn tên trong màn đêm”. Đó là sự tự do nội tâm, là sức mạnh giúp họ không gục ngã trong sự vùi dập của những bất công, ngang trái.
27/9/2012
Ngô Văn
số lần đọc: 2343
Ý kiến bạn đọc

One Response to “Khi sự dữ thắng thế, vẫn có đó niềm hy vọng”

  1. Người Yêu GHVN says:
    Ông Huỳnh Quốc Bính viết: Cần Phải Biết “Nóng Giận“.
    Ở đời bên cạnh những điều hữu lý, có nhiều điều phi lý đáng cho ta chú ý. Điển hình, khi thấy con mèo ăn vụn miếng mỡ, người ta dễ dàng xúm nhau lại, dí đập cho nó chết, nhưng khi họ chứng kiến con hổ tha cả một con heo, nhưng lại làm ngơ để cho nó thong thả ra đi. Đó là lý do, ngày nay hiện tượng vô cảm của nhiều người trước cảnh chướng tai, gai mắt, đã khiến cho những ai có lòng nhân phải sửng sốt.
    Để được an thân và cũng được tiếng “thiêng liêng”, có người luôn tỏ ra “hài hòa” với kẻ ác, sẵn sàng “nhịn nhục” kẻ mạnh… nhưng rất dễ dàng ăn miếng trả miếng hoặc tỏ ra “anh hùng”, dũng cảm với những người tay yếu chân mềm, thấp cổ bé miệng.
    Có một anh bạn trẻ nói với tôi lời chua chát rằng: “Nếu ai nói rằng họ có thể nhịn đám VC một cách triền miên vì tình yêu thương, thì hãy cho em tát vào mặt họ một cái. Nếu họ không phản ứng gì cả thì em mới tin lời nói của họ…”. Dĩ nhiên, đây chỉ là một “mơ ước” có tính cách thách đố thôi, chứ không ai thiêng liêng đến mức độ “ngu dại” khi người ta vô cớ tát vào mặt mà có thể im lặng, như Chúa Cứu Thế Jesus đã dạy “nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn”(Matt. 5:39b). Lời dạy này, ý Chúa muốn con dân Ngài phải biết nhịn nhục, chứ không phải “ngu xuẩn” đến độ phải làm thinh hay thụ động trước những cái tát “lấy mạng” mình. Ai không tin tôi, cứ gặp mấy ông bà thiêng liêng mà tôi vừa nêu… Thử chạm nhẹ vào lông chân của họ, thì sẽ biết.
    Trước tình trạng những bất công xảy ra đầy dẫy tại Việt Nam ngày nay, đáng lẽ phải được những người đang sống đời tự do tỏ ra quan tâm, thì trái lại người ta lại dửng dưng để được tiếng “thiêng liêng” và an toàn như đã nói.
    Tình trạng ở Việt Nam ngày nay, hiện tượng “tự do tôn giáo” thì có, vì các nơi thờ tự của các tôn giáo được VC cho mọc lên như nấm, nhưng tự do tín ngưỡng thì bị chế độ VC bóp chết một cách tinh vi.
    Trong suốt hơn 35 năm qua, tình trạng nhà thờ, thánh đường, chùa chiền, hoặc thánh thất bị đảng VC cào sập, hoặc tài sản người dân bị bọn côn đồ của chế độ độc tài cướp giật trắng trợn và thô bạo, nhưng những người dạy đạo của các tôn giáo hầu hết đều không còn biết “nóng” hay “giận” gì cả. Có lẽ họ đã đạt đến trình độ “thượng thừa” trong đường tu, nên đã trở nên vô cảm trước sự rên siết của những nạn nhân cần sự bênh vực của họ.
    Bất cứ ai chứng kiến một bà già bị kẻ cướp trấn lột, hoặc nhìn thấy một phụ nữ tay yếu chân mềm bị những tên côn đồ, dâm tặc, hãm hiếp mà biết nổi giận là người bình thường. Và nếu người đó biến sự “nổi giận” thành hành động thực tiễn khi ra tay can thiệp, thì đó là người có trái tim và có tình yêu thương mà Thánh Kinh mô tả. Riêng kẻ nào miệng nói yêu thương mà thấy điều quấy lại không nao núng, chột dạ, xót thương… đó là loại yêu thương bằng cái miệng, đó là đám “mẹ mìn”, đó thành phần vô cảm, bất thường trong xã hội loài người… chứ chắng phải thiêng liêng gì ráo.
    Tôi nghĩ những ai chủ trương thiêng liêng nửa vời cũng nên biết phân biệt giữa “Huyết-khí chi nộ” và “Nghĩa-lý chi nộ”. Đừng giận trước những sự việc không cần ra oai, mà hãy biết nổi nóng trước những điều gian ác.
    Nếu ai quyết lòng dí đập mấy tên trộm vặt ban đêm thì cũng nên can đảm bao vây và đánh trả cái đám cướp ban ngày tại Việt Nam ngày nay. Đừng giận vì nóng tính mà hãy can đảm giận cho điều công chính.
    Đồng ý với ông Huỳnh Quốc Bình về nhận định trên đây.

No comments:

Post a Comment