Monday 22 October 2012

Chính trị - Xã hội Cỡ chữ : A- A A+


Di dân nếu động đất không giảm cường độ
11/09/2012 3:15
Chiều 10.9, ông Hồ Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Trà Bui (H.Bắc Trà My, Quảng Nam), cho biết vào khoảng 22 giờ tối 9.9 tại địa phương này tiếp tục xảy ra rung chấn với cường độ nhẹ, kéo dài trong khoảng 3 giây.

Cùng ngày, ông Hồ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Trà Đốc (H.Bắc Trà My), cũng cho biết vào khoảng 6 giờ 30 phút ngày 10.9, tại Trà Đốc có rung chấn trong khoảng 3 giây.


An toàn đập, ổn định người dân là điều trước tiên và quan trọng nhất. Cần xem lại việc tích nước gây nổ trong lòng đất, không tích nước theo kiểu cho được việc để có điện


Ông Trần Kim Hùng - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam




Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My, cho rằng các nhà khoa học cần phải xác định rõ tâm chấn động đất hiện nằm ở vị trí nào, ngay tại đập hay cách xa đập. Cần thông báo các nhận định về diễn biến động đất để người dân an tâm. Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt phương án phòng chống thiên tai nhưng chỉ mới có phương án ứng phó với lũ lụt cho vùng hạ du, vấn đề ứng phó với thảm họa động đất mạnh hơn gây vỡ đập vẫn chưa có cụ thể. Hiện phía HĐND tỉnh đang tính phương án lâu dài di dời dân nếu động đất cường độ không giảm xuống.

Trong khi chờ đợi kết luận của đoàn khảo sát của Bộ KH-CN về tình hình động đất xảy ra tại H.Bắc Trà My, trao đổi với PV Thanh Niên ngày 10.9, ông Trần Kim Hùng, Phó chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam, kiến nghị: “Theo kết luận thì đập Sông Tranh 2 an toàn và mức độ động đất như hiện nay sẽ không gây ảnh hưởng gì đến đập. Tôi tin vậy nhưng tôi đề nghị chủ đầu tư, nếu việc tích nước gây động đất làm hư hỏng tài sản của nhân dân cần thì phải có chính sách, cơ chế bồi thường thiệt hại cho người dân rõ ràng”. Ông Hùng cũng nhấn mạnh: “An toàn đập, ổn định người dân là điều trước tiên và quan trọng nhất. Cần xem lại việc tích nước gây nổ trong lòng đất, không tích nước theo kiểu cho được việc để có điện”.

Điều khiến ông Hùng lo lắng nhất là “mùa mưa bão đã đến, đập thủy điện Sông Tranh 2 lại không có cống xả đáy. Khi mưa lớn việc tích nước ngoài ý muốn sẽ xảy ra, tức là lượng nước mưa về hồ quá lớn không kịp xả, lại kèm theo động đất thì không biết sẽ ra sao”.


Một căn nhà dân bị nứt do động đất - Ảnh: Hoàng Sơn



Trong một diễn biến khác, tại buổi họp báo của Bộ Công thương chiều 10.9, đại diện Tổng cục Năng lượng cho biết đến thời điểm này đã kết thúc công tác xử lý thấm ở thủy điện Sông Tranh 2 theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải. Hiệu quả chống thấm nhiều nơi đạt tới 99,9%, đa số các điểm giảm 89,4%. Kết quả này vượt xa so với mục tiêu ban đầu là 80%. Kết quả này được báo cáo lên Bộ Công thương và Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước. Hiện tại có một cán bộ của Viện Vật lý địa cầu đang ở hiện trường để kiểm tra lại sự tác động của các trận động đất kích thích vừa rồi đối với đập. Dự kiến ngày 12.9 sẽ có báo cáo cuối cùng làm cơ sở cho các bộ ngành liên quan báo cáo Chính phủ. Việc có cho phép thủy điện Sông Tranh 2 tiếp tục tích nước hay không sẽ do Chính phủ quyết định.

Hoàng Sơn - Chí Nhân

No comments:

Post a Comment